Nóng chuyện công nhận giống

Ngày 3/4, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Trồng trọt.

2

Công nhận giống đang là chủ đề có nhiều ý kiến nhất của Dự thảo Luật Trồng trọt

Hàng loạt ý kiến tập trung xoay quanh vấn đề khảo nghiệm, công nhận, quản lí giống cây trồng cho thấy đây là vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong dự thảo luật.

Cần tách bạch công nhận và công nhận lưu hành giống

Trong số hàng chục ý kiến góp ý tại hội thảo cho dự thảo luật, chiếm áp đảo vẫn xoay quanh vấn đề về trình tự, thủ tục trong khảo nghiệm, công nhận giống cây trồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật chưa làm rõ và tách bạch được vấn đề công nhận bảo hộ giống cây trồng và việc công nhận lưu hành giống cây trồng.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) cho rằng, bảo hộ và bản quyền giống cây trồng đang là vấn đề hết sức nhức nhối.Tuy nhiên, dự thảo luật mới chỉ đưa ra được các quy định về trình tự, thủ tục công nhận lưu hành giống cây trồng, mà chưa có quy định về việc công nhận giống cây trồng. Đây là bất cập lớn mà dự thảo luật cần phải bổ sung, bởi việc công nhận lưu hành giống cây trồng (khi đã trải qua quy trình khảo nghiệm VCU và DUS) và việc công nhận giống cây trồng mang tính bảo hộ tác quyền và chủ sở hữu giống là hoàn toàn khác nhau.

“Cũng giống như chiếc xe máy vậy, việc công nhận giống giống như bảo hộ bản quyền cho đơn vị sáng chế ra và SX ra chiếc xe ấy, nhưng chiếc xe ấy trong quá trình SX có bị lỗi kỹ thuật gì hay không, chạy có an toàn không thì phải cần thêm chứng nhận lưu hành. Đó là hai việc khác nhau mà dự thảo luật cần phải bổ sung làm rõ” – đại diện một DN trong ngành giống cây trồng bổ sung.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo luật cần phải quy định chặt chẽ hơn nữa về một số khái niệm trong khảo nghiệm như: Thế nào là khảo nghiệm diện hẹp, khảo nghiệm diện rộng, khảo nghiệm có kiểm soát… “Cần phải làm rõ diện rộng là rộng thế nào, về vùng sinh thái hay về diện tích khảo nghiệm. Bên cạnh đó, việc đưa ra quy trình về trình tự công nhận lưu hành giống của Dự thảo luật cần phải ngắn gọn, bởi quy trình khảo nghiệm thế nào cho từng đối tượng cây trồng thì chỉ cần căn cứ vào các TCVN, QCVN là đã có đầy đủ rồi, Dự thảo luật đưa ra quá dài, song lại không đầy đủ, thậm chí không cần thiết” – PGS.TS Nguyễn Thị Trâm nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH-CN) cho rằng: Hiện nay, xu hướng chung của thế giới là chuyển mạnh từ công nhận giống sang bảo hộ tác quyền và chủ sở hữu của giống. Vì vậy, dự thảo luật thậm chí cần phải làm rõ hơn nữa việc công nhận giống và công nhận lưu hành giống cái nào phải yêu cầu có trước, cái nào phải yêu cầu có sau.

“Có những đơn vị nghiên cứu ra giống, đã được công nhận là giống quốc gia, nhưng họ lại chưa muốn đưa ra thương mại, và chưa cần phải có chứng nhận lưu hành chẳng hạn. Trường hợp này cần phải có quy định cụ thể hơn nữa để bảo vệ, khuyến khích cho việc nghiên cứu giống” – ông Lê Ngọc Lâm nêu ý kiến.

Nhiều ý kiến trái chiều

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, một số khái niệm cũng như quy định về khảo nghiệm giống cây trồng mà Dự thảo luật đưa ra còn thiếu chặt chẽ.

Theo ông Nguyễn Tiên Phong, PGĐ Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và Sản phẩm cây trồng quốc gia, dự thảo đưa ra khái niệm “Mẫu giống chuẩn là mẫu giống đầu tiên do chủ sở hữu cung cấp trước khi đưa vào khảo nghiệm và sử dụng…” là cần phải xem xét lại. Bởi đã nói đến mẫu chuẩn thì phải gắn liền với bản mô tả giống, vì vậy khi gửi mẫu khảo nghiệm, chưa thể khẳng định đó là mẫu chuẩn, vì có thể khi đó giống chưa đảm bảo về DUS, nên chỉ có thể coi đó là mẫu giống gửi khảo nghiệm. Chỉ khi đảm bảo về DUS thì mới được coi là mẫu giống chuẩn. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, mẫu giống chuẩn cần phải được Bộ NN-PTNT thành lập riêng thành một ngân hàng gen để lưu giữ nhằm bảo tồn cũng như làm mẫu đối chứng sau này, bởi bản thân các đơn vị khảo nghiệm giống hiện không đủ khả năng lưu giữ…

Liên quan tới khái niệm Vùng địa lý công nhận giống cây trồng, ông Nguyễn Tiên Phong cho rằng, Dự thảo đưa ra quy định chỉ bao gồm 3 vùng địa lý gồm Bắc Bộ (từ Thừa Thiên Huế trở ra), Trung Bộ (gồm Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) và Nam Bộ (gồm Đông Nam Bộ và ĐBSCL) là không đúng thực tiễn. Bởi thực tế Tây Nguyên khác xa Duyên hải Nam Trung Bộ, còn Bắc Trung Bộ cũng khác xa Trung du MNPB. Theo ông Phong, Dự thảo nên sử dụng phân làm 7 vùng sinh thái trong công tác khảo nghiệm giống cây trồng như lâu nay vẫn áp dụng.

Không đồng tình với quan điểm này, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam lại nêu quan điểm: Việc phân vùng địa lý trong khảo nghiệm công nhận giống cây trồng thậm chí chỉ nên chia thành 2 vùng, bao gồm Nam Bộ (từ Đèo Hải Vân trở vào) và Bắc Bộ (từ Đèo Hải Vân trở ra). “Việc khảo nghiệm chủ yếu phụ thuộc vào chế độ nhiệt độ, do đó chỉ cần phân làm 2 vùng địa lý là được. Thực tế thì lâu nay, chúng ta phân vùng khảo nghiệm làm 7 vùng sinh thái, nhưng có đơn vị nào tiến hành khảo nghiệm được ở cả 7 vùng sinh thái đâu?” – GS Long phản biện.

Xung quanh quy định về khảo nghiệm giống cây trồng, một số ý kiến cho rằng Dự thảo luật quy định “Việc khảo nghiệm do tổ chức được công nhận đủ điều kiện khảo nghiệm giống cây trồng thực hiện” là không phù hợp với hệ thống quốc tế về khảo nghiệm công nhận giống khi đưa vào Danh mục quốc gia như nhiều nước trên thế giới (EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc…). Bởi hiện nay, việc khảo nghiệm này ở nhiều quốc gia đa số được thực hiện bởi đơn vị/tổ chức độc lập.

Bên cạnh đó, hoạt động khảo nghiệm VCU, DUS là hoạt động không sinh lời, thị trường nhỏ và chuyên sâu nên không có nhiều đơn vị mặn mà đăng ký hoạt động vì mục đích kinh doanh. Thực tế những năm qua, nhà nước đã chỉ định cho hàng chục đơn vị khảo nghiệm DUS, nhưng đến nay gần như không còn đơn vị nào triển khai công tác này, mà chỉ còn tồn tại duy nhất mỗi Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và Sản phẩm cây trồng quốc gia mà thôi.

Theo Nongnghiep.vn