Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, bình quân mỗi năm nông dân vùng ven biển nuôi thủy sản khoảng hơn 60.000 ha; trong đó, có khoảng 32.000 ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến khích nông dân ở các huyện vùng ven biển đa dạng con nuôi thủy sản thay thế cho 1 vụ nuôi tôm trong năm theo mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nhằm tránh thiệt hại rũi ro, đảm bảo nguồn thu nhập bền vững.
Các con nuôi thủy sản vùng nước mặn và lợ thay cho 1 vụ tôm được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân, như: cua biển, nuôi xen canh các loại cá chẽm, cá đối, cá chốt, sò huyết… Đây là phương thức hạn chế rủi ro nuôi 2- 3 vụ tôm theo mô hình thâm canh, bán thâm canh chưa đảm bảo đúng qui trình kỹ thuật và ứng phó được điều kiện thời tiết bất lợi, dịch bệnh và giá tôm thương phẩm thường giảm thấp khi nguồn cung vượt cầu.
Ông Trần Quốc Đoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết, hơn 5 năm nay, nhiều nông dân trong huyện đã đa dạng con nuôi thủy sản thay thế cho nuôi vụ tôm thứ 2 hoặc thứ 3 trong năm để thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân. Cụ thể, mô hình nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm quảng canh cải tiến tại huyện Duyên Hải, cho năng suất đạt bình quân trên 4,4 tấn/ha, với giá sò huyết thương phẩm bán ra ở mức 80.000 đồng/kg, hộ nuôi lãi ròng 145 triệu đồng/ha chỉ sau 4 - 4,5 tháng nuôi.
Hay như mô hình nuôi 1 vụ tôm sú – 1 vụ nuôi vọp trong ao nuôi tôm sú bán thâm canh của một số hộ nông dân ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải tăng thêm lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình nuôi vọp trong ao tôm chỉ tốn tiền con giống, không tốn công chăm sóc, cũng không cần phải cho ăn vì có nguồn bã bùn hữu cơ tồn dư đáy ao từ vụ nuôi tôm nên vọp vẫn phát triển rất tốt. Bình quân diện tích 1 ha ao nuôi tôm, có thả nuôi lượng vọp giống 80.000 - 90.000 con giống, sau 6 tháng nuôi, sản lượng vọp thu hoạch khoảng 2 – 2,2 tấn, bán với giá vọp từ 25.000-30.000 đồng/kg.
Cùng với đó, mô hình thủy sản sinh thái theo phương thức nuôi kết hợp rừng – tôm sú – cá – cua biển đem lại lãi ròng đến hơn 90 %, nhờ người nuôi chỉ tốn tiền mua con giống, không tốn chi phí thức ăn, thuốc thú y thủy sản...Việc thu hoạch mô hình thủy sản sinh thái, người nuôi chủ động chọn lựa tôm sú, cá , cua đạt kích cỡ, trọng lượng để bán được giá cao, không bị thất thu khi gặp giá thị trường giảm thấp. Các loại thủy sản thương phẩm như: tôm sú, cá, cua biển được nuôi sinh thái luôn được thương lái đặt hàng thu mua cao hơn các loại thủy sản nuôi theo công nghiệp, bán công nghiệp từ 25 – 30 %. Bình quân 1 kg tôm sú (loại10 - 12 con/kg) nuôi sinh thái có giá ổn định mức 350.000 đồng/kg, cua biển 350.000 – 450.000 đồng/kg (loại 2 – 3 con/kg).
Theo ông Lê Văn Đông, mùa vụ nuôi thuỷ sản vùng ven biển trong tỉnh năm 2024 toàn tỉnh đã thả nuôi hơn 56.500 ha, tăng hơn 2.000 ha so cùng kỳ; trong đó diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ khoảng hơn 33.300 ha. Hiện tại, nông dân vùng ven biển trong tỉnh đang vào mùa vụ thu hoạch cuối vụ để chuẩn bị cho mùa vụ nuôi trồng thủy sản mới.
Tỉnh đề ra mục tiêu năm 2025, sản lượng nuôi trồng vùng ven biển đạt khoảng hơn 200.000 tấn, góp phần đưa giá trị tăng thêm ngành thuỷ sản đạt mức tăng trưởng bình quân 5%/năm. Ngành nông nghiệp tỉnh đang xúc tiến rà soát lại quy hoạch, tăng cường hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học – công nghệ trong nuôi thuỷ sản cho nông dân để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh chủ trương cho các địa phương ven biển đẩy mạnh khai thác khoảng 50.000 ha đất ven biển và 15.000 ha đất bãi bồi, cồn nổi để đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, nhằm tạo giá trị gia tăng, giúp nông dân tăng thu nhập bền vững.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu