Biện pháp hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm hùm

Trong thời gian chờ xác minh thông tin Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu tôm hùm bông, Cục Thủy sản đã có văn bản nhằm tăng cường quản lý nuôi tôm hùm.

Mới đây, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã có văn bản về việc tăng cường quản lý nuôi tôm hùm. Văn bản nêu rõ, thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận được phản ánh từ một số cơ sở xuất khẩu tôm hùm và Hội nghệ cá tỉnh Phú Yên về việc Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu tôm hùm bông (Panulirus ornatus).

Để xác minh thông tin và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan và tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu thuỷ sản sống của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc được nhanh chóng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản gửi Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc), gửi Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Theo thông tin từ Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã nhận được đề nghị của phía Việt Nam. Tuy nhiên, hiện phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang bận nên chưa thu xếp làm việc theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tiêu dùng & Dư luận - Biện pháp hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm hùm
Cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương liên quan cử cán bộ có chuyên môn hướng dẫn cho người nuôi tôm tại địa phương các biện pháp kỹ thuật quản lý vùng nuôi.

Trong thời gian chờ ý kiến phản hồi chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để duy trì phát triển và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm hùm đặc biệt đối với tôm hùm bông, Cục Thủy sản đã đưa ra một số đề nghị đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển có nuôi tôm hùm và Hội nghề cá các tỉnh có nuôi tôm hùm.

Theo đó, các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo về quản lý giống tôm hùm và chỉ đạo về việc tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng tôm hùm giống. Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đăng ký nuôi lồng bè; tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong công tác “Xác nhận đăng ký nuôi trồng thuỷ sản lồng, bè/đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực”.

Đồng thời, theo dõi sát thông tin thị trường để khuyến cáo người dân lựa chọn đối tượng nuôi (giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh) và thu hoạch vào thời điểm thích hợp. Tổ chức xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

Về quản lý nuôi lồng bè và sức khoẻ tôm nuôi, Cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương liên quan cử cán bộ có chuyên môn hướng dẫn cho người nuôi tại địa phương các biện pháp kỹ thuật quản lý vùng nuôi. Cập nhật thông tin đầy đủ vào nhật ký, lưu giữ hồ sơ chứng từ có liên quan để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, quản lý tốt chất lượng tôm giống, thuốc phòng trị bệnh tôm hùm. Tổ chức thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) và công khai kết quả xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Cục Thủy sản cũng đề nghị Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh kịp thời hướng dẫn người nuôi các biện pháp kỹ thuật và hỗ trợ xử lý các sự cố kỹ thuật (nếu có) trong quá trình nuôi.

Cuối cùng, Cục Thủy sản đề nghị Hội Thuỷ sản Việt Nam, Hội nghề cá các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời thông tin đến các hội viên về các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tăng cường quản lý nuôi tôm hùm.