Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản về hạn ngạch xuất khẩu và chỉ tiêu kháng sinh

Hạn ngạch xuất khẩu và chỉ tiêu kháng sinh đối với doanh nghiệp thủy sản đang là thử thách lớn. Cần nhanh chóng tìm ra giải pháp nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp trong thời gian tới, để đảm bảo mở rộng thị trường xuất khẩu và duy trì uy tín về chất lượng.

Vướng chỉ tiêu kháng sinh “quá nghiêm ngặt” của Nhật Bản

1111111111
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với bấp cập lớn liên quan đến chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline trong hàng thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phản ánh trong Công văn 48/CV-VASEP gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và đề xuất việc tham vấn, kiến nghị với cơ quan chức năng của Nhật Bản về bất cập trong ngưỡng chấp nhận chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline áp dụng trong kiểm soát thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản

Theo phản ánh của các doanh nghiệp đang xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản – một trong ba thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm 2023 Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai của thủy sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này là 1,516 tỷ USD.

Hiện đang có một bất cập lớn do quy định “quá nghiêm ngặt” của Nhật Bản so với nhiều quốc gia đối với ngưỡng chấp nhận của chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline trong hàng thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản. Điều này đang gây khó khăn và bất lợi rất lớn cho thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản, vì loại kháng sinh này vẫn được phép sử dụng trong nuôi thủy sản ở Việt Nam.

Theo tìm hiểu sơ bộ của VASEP và các doanh nghiệp thủy sản, hiện nay, nhiều nước không cấm sử dụng kháng sinh Doxycycline (thuộc nhóm Tetracycline) trong nuôi thủy sản và không kiểm tra dư lượng của kháng sinh này trong sản phẩm thủy sản nuôi nhập khẩu.

Một số thị trường như EU, Trung Quốc, New Zealand có kiểm tra chỉ tiêu này nhưng đều quy định mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) là 100 ppb. Đây là mức được cho là phù hợp, có đánh giá rủi ro, mà thủy sản nuôi có kiểm soát chặt của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được.

Theo ông Trương Đình Hòe, Nhật Bản mới chỉ quy định mức MRL của Doxycycline trong sản phẩm của Bộ Cá vược (Perciformes) là 50ppb và chưa quy định mức MRL đối với các sản phẩm thủy sản khác.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Nhật Bản, đối với các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh chưa có quy định mức MRL sẽ áp dụng chung mức 10 ppb (Uniform limit) cho các chỉ tiêu này. Điều này có nghĩa là ngưỡng chấp nhận tối đa của Nhật Bản đối với chỉ tiêu này trong thủy sản nhập khẩu đang nghiêm ngặt hơn 10 lần, chỉ bằng 1/10 ngưỡng chấp nhận tối đa của nhiều thị trường khác.

Trước bất cập trên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Nhật Bản, VASEP vừa có công văn gửi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ xem xét có ý kiến với cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhật Bản để cơ quan này ban hành các quy định về giới hạn MRL đối với kháng sinh Doxycycline ngang bằng với mức của các quốc gia khác như EU, Trung Quốc, New Zealand đang kiểm soát.

Kiến nghị bỏ hạn ngạch xuất khẩu vào Hàn Quốc

1
Doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu mong muốn gỡ vướng để gia tăng xuất khẩu.

Ngoài vướng mắc nêu trên, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc cũng đang gặp vướng về hạn ngạch. Theo ông Trương Đình Hòe, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ cuối năm 2015 là một trong các công cụ quan trọng giúp hai nước hiện thực hóa mục tiêu tăng cường hợp tác thương mại song phương thực hiện chiến lược phát triển thương mại kinh tế.

Thời gian qua, Hiệp định đã có tác động tích cực tới các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong đó có thủy sản. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng 62% từ 585 triệu USD năm 2015 lên 950 triệu USD năm 2022 và 786 triệu USD năm 2023.

Năm 2024 là năm thứ 10 thực hiện VKFTA. Theo lộ trình, gần hết các dòng hàng thủy sản có mức thuế về 0%. Tuy nhiên, theo cam kết về hạn ngạch, hiện vẫn còn nhóm 7 dòng sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc vẫn chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế hạn ngạch (tính tới nay là hạn ngạch miễn thuế hiện là 15.000 tấn/năm).

Cụ thể, đối với nhóm này, Hàn Quốc chỉ miễn thuế nhập khẩu cho Việt Nam theo VKFTA cho 15.000 tấn/năm (mức hạn ngạch áp dụng từ năm 2020 trở đi). Khối lượng sản phẩm nhập khẩu vượt quá mức hạn ngạch sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan theo VKFTA mà phải chịu mức thuế cơ sở là 20%.

Trong khi đó, đối chiếu với biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam cập nhật năm 2024, toàn bộ các dòng hàng thủy sản nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã ở mức 0%. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn mở cửa với thủy sản Hàn Quốc nhưng đổi lại vẫn bị áp hạn ngạch xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc.

Với những bất cập trên, ngày 15/4, VASEP đã gửi kiến nghị đến Chính phủ và các bộ ngành xem xét và khởi động việc đề nghị tham vấn với Hàn Quốc để gỡ bỏ hạn ngạch hiện tại đối tôm từ Việt Nam vào Hàn Quốc, để người tiêu dùng Hàn Quốc được tiếp cận nhiều hơn với tôm Việt Nam với giá tốt hơn và đảm bảo sự công bằng cho tôm Việt Nam trong cạnh tranh với các nước khác.

Theo các doanh nghiệp, việc xem xét đề nghị Hàn Quốc gỡ bỏ cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với tôm đông lạnh Việt Nam theo VKFTA là rất cấp thiết để bảo vệ thị phần và lợi ích trong lâu dài của tôm Việt Nam tại thị trường này. Từ góc độ pháp lý, đây là một cơ chế đã được dự kiến trong VKFTA với cam kết tại khoản 2 Điều 2.3 Chương 2 Văn kiện VKFTA.

Từ góc độ thực tiễn, khả năng đề nghị này được phía Hàn Quốc ủng hộ là rất cao trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt với thách thức lạm phát cao, giá thực phẩm tăng phi mã, Chính phủ Hàn Quốc đã phải chủ động giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng và dường như sẽ sẵn sàng xem xét các giải pháp khác giúp giảm giá thực phẩm nhập khẩu như tham vấn điều chỉnh thuế quan VKFTA.