Nông dân đạt lợi nhuận kép trong sản xuất nông nghiệp

27/10/2024 07:00
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã dần giúp cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn, thu ngắn khoảng cách đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn với thành thị.

Không những vậy, đây cũng là chương trình có tác động lớn trong phân bổ lại nguồn lực lao động của các địa phương, giúp người dân có nhiều hướng phát triển kinh tế, đạt lợi nhuận cao hơn.

Chú thích ảnh
Bà con ở xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc chuẩn bị hoa, kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Kết hợp nhiều hình thức sản xuất

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay nhiều địa phương đã rất thành công trong khai thác mô hình kinh tế kép. Đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều địa phương đã kết hợp nhiều hình thức sản xuất để khai thác tối đa diện tích sản xuất, phù hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều nông dân cũng đã được hỗ trợ để vừa tự học hỏi lẫn nhau, vừa hướng đến thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để phát huy hiệu quả sản xuất.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện nay nông dân Đồng Tháp đã có nhiều thay đổi lớn trong tư duy sản xuất, đó là thay vì chỉ chú trọng làm ra sản phẩm, nông dân đã có thể vừa làm ra sản phẩm chất lượng, vừa có thể đưa sản phẩm chất lượng này đến người tiêu dùng nhanh nhất, nhiều nhất. Để làm được điều này, chính nông dân phải gia tăng sản xuất trên cùng một mảnh đất.

Điển hình, nông dân Đồng Tháp đã trồng xen cây củ ấu với cây lúa để nâng cao thu nhập, đây cũng là phương pháp giảm dịch bệnh trên lúa và cho năng suất vượt trội. Theo ông Lê Mộng Vân, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, nếu chỉ trồng 1 loại cây thì sinh ra đất bạc màu. Việc trồng xen củ ấu - lúa có thể thay đổi nguồn vi sinh vật trong đất, cây lúa mới giảm mầm bệnh, đạt năng suất cao trong vụ sau. Đây cũng là phương pháp sản xuất phù hợp với mùa nước nơi đây. Hiện nay, sản phẩm củ ấu của huyện Lấp Vò cũng được UBND huyện Lấp Vò hướng dẫn các thủ tục để đăng ký dòng sản phẩm OCOP 3 sao, đồng thời liên kết doanh nghiệp tiêu thụ và các giải pháp chế biến củ ấu.

Ngoài củ ấu, Đồng Tháp có thế mạnh là cây sen. Chị Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hương Sen Đồng Tháp cho biết, vì đây là cây thế mạnh nên sẽ có nhiều nguồn nguyên liệu cho công ty Hương Sen Đồng Tháp sản xuất sản phẩm. Chị Nguyễn Bích Ngọc đã mạnh dạn phát triển thế mạnh của địa phương, đầu tư xây dựng các sản phẩm đạt OCOP để nâng tầm giá trị cây sen, góp phần gìn giữ văn hóa của quê hương, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương. Hiện nay công ty Hương Sen Đồng Tháp có 8 sản phẩm như trà sen, trà sen Dotha Lotus thượng hạng, trà tâm sen, trà hoa sen, trà lá sen túi lọc Dotha Lotus, bột sữa sen Dotha Lotus, sữa hạt sen Dotha Lotus đều được công nhận đạt OCOP 4 sao. Đáng lưu ý, sản phẩm trà sen Dotha Lotus thượng hạng và sữa hạt sen Dotha Lotus được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khai thác du lịch bằng những sản phẩm sinh thái

Chú thích ảnh
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là điểm tham quan du lịch đặc sắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, được Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh bình chọn là một trong 10 chợ ấn tượng nhất thế giới. Ảnh tư liệu: An Hiếu/TTXVN

Phát triển kinh tế đa dạng dựa trên nền tảng sản phẩm bản địa vốn không xa lạ với nông dân. Tuy nhiên, để những nông dân này phát triển lâu dài, các địa phương đã có nhiều chương trình hướng dẫn, tập huấn cho nông dân. Hiện nay, với đặc thù sản phẩm OCOP, các nông dân đã biết kết hợp kinh doanh sản phẩm OCOP với làm du lịch để quảng bá thương hiệu, nâng cao thu nhập.

Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Đồng Tháp đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đã giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn tổ chức cho các hộ làm du lịch cộng đồng đi tham quan thực tế mô hình phát triển nông nghiệp bền vững tại một số địa phương trong nước để giúp có thêm kiến thức, trải nghiệm và quyết tâm làm du lịch nông nghiệp - nông thôn. Tỉnh Đồng Tháp cũng mở lớp truyền cảm hứng khởi nghiệp, tập huấn kiến thức về phát triển du lịch gắn với các hoạt động nông nghiệp.

Tại thành phố Cần Thơ, ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng xem chương trình OCOP là một trong những chương trình kinh tế nông nghiệp, nông thôn lớn thể hiện rõ vai trò tích hợp đa giá trị trong nông nghiệp. Hiện Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 - 4 sao. Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, để tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm OCOP của thành phố Cần Thơ phát triển, thành phố Cần Thơ đã đưa các sản phẩm này thâm nhập vào các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng... nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với khách du lịch. Thêm vào đó, nhiều hộ nông dân cũng đã kết hợp được sản phẩm OCOP với du lịch sinh thái để vừa quảng bá, vừa tiêu thụ sản phẩm, tăng thêm thu nhập.

Như trường hợp chị Nguyễn Thị Diễm Kiều, ngụ tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, với mục đích nâng cao giá trị sử dụng đất, góp phần phát triển kinh tế gia đình, chị đã mạnh dạn cải tạo, nâng cấp khu vườn dừa 500 cây của mình thành điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách. Để có thể tạo thêm sự hứng thú cho du khách, chị bố trí thêm bàn, ghế, võng, cải tạo, dọn dẹp khu vườn sạch sẽ, thoáng đãng. Đồng thời, thuê nhân công nạo vét mương, thả cá, bố trí xuồng... cho khách trải nghiệm. Nhờ vậy mà thu nhập của gia đình tăng lên so với chỉ bán dừa tươi.

Ngoài hình thức làm du lịch sinh thái để thúc đẩy kinh tế nông thôn trong vườn cây, thành phố Cần Thơ còn khai thác các điểm du lịch đẳng có, kết hợp quảng bá sản phẩm OCOP của các địa phương. Ông Nguyễn Tấn Nhơn chia sẻ, chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm nhấn du lịch của thành phố Cần Thơ, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan. Do đó, thành phố Cần Thơ đã ra mắt điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, đặt tại cơ sở hủ tiếu Nhà Bè (trên chợ nổi Cái Răng) với 10 chủ thể sản phẩm OCOP của thành phố Cần Thơ tham gia kết nối. Cụ thể như trà mãng cầu Long Giang, trà mãng cầu Kim Nhiên, nước mắm cá sặc Tư Hon, trà thảo dược Hygie&Panacee, các sản phẩm chế biến từ đậu của Công ty TNHH MTV Ðinh Gia Foods, các sản phẩm bột đậu của cơ sở Thuận Hòa… Khách du lịch sẽ đem sản phẩm OCOP đi xa hơn, có thể không mua tại thời điểm đi du lịch nhưng sau khi về sẽ kết nối thông tin để đặt hàng và có khi trở thành đại lý nhập sản phẩm về kinh doanh.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu

Tin xem thêm