Mừng – lo khi nông sản đua nhau tăng giá

Giá nông sản đua nhau tăng giá, đơn hàng ồ ạt tìm đến các doanh nghiệp mở ra kỳ vọng lớn cho ngành nông nghiệp trong năm 2024. Tuy nhiên giá nông sản tăng nóng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khiến các chuyên gia cũng khó dự báo tình hình.

1
Nhiều nhà vườn đang bán hồ tiêu với giá 100.000 đồng/kg.

Giá cao chót vót

Sau chuỗi ngày tăng không ngừng nghỉ, giá cà phê đang ở ngưỡng cao nhất mọi thời đại khi vượt mốc 90.000 đồng/kg. Ngày 19/3, cà phê nhân được giao dịch quanh ngưỡng 93.000 – 94.000 đồng/kg, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Ông Bạch Quang Hồng (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk), chuyên trồng cà phê chất lượng cao – cho biết, cà phê đã hết vụ thu hoạch, giá liên tiếp phá đỉnh lịch sử. Đây là mức giá trong mơ của người nông dân. Dù đã bán hết hàng từ trước đó nhưng những người nông dân như ông phấn khởi bởi trúng giá lớn.

Theo tính toán của ông Hồng, 1 ha cà phê sạch cho thu hoạch khoảng 4 tấn cà phê nhân. Nông dân bán ở ngưỡng 85.000 đồng/kg sẽ thu về khoảng 340 triệu đồng. Trừ chi phí, lãi khoảng 220 triệu đồng/ha. Còn nếu giữ được cà phê đến thời điểm này và bán với giá trên 90.000 đồng/kg thì trúng đậm.

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, giá cà phê xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2024 đã tăng tới 1.000 USD tấn/ha so với 2 tháng đầu năm 2023. Việc tăng trưởng cả 3 tiêu chí về lượng, giá và trị giá bình quân của mặt hàng cà phê xuất khẩu đang giúp cho những người nông dân trồng cà phê, nhất là thủ phủ cà phê ở Tây Nguyên được hưởng niềm vui lớn.

Còn với ngành hồ tiêu, giá hạt tiêu cũng lập kỷ lục mới khi vọt lên ngưỡng 93.000 – 95.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nhà vườn đang bán với giá 100.000 đồng/kg.

Bà Huỳnh Thị Kim Phượng ở xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) cho biết, trong năm 2023 gia đình chỉ thu được hơn 2 tấn. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay nhờ chăm sóc tốt nên sản lượng mang lại đạt trên 4 tấn hạt.

Bà Huỳnh Thị Kim Phượng cho biết: vụ mùa năm ngoái thời tiết xấu đã ảnh hưởng trực tiếp trong kỳ ra hoa đậu trái. Còn năm nay, khi gia đình chú đầu tư chăm sóc nên vườn tiêu trổ bông đậu, trái nhiều và sản lượng hơn gấp đôi mùa vụ trước.

Ngoài ra, vườn tiêu gia đình bà Huỳnh Thị Kim Phượng được trồng theo hướng hữu cơ sạch nên cũng được Công ty Nedspice Việt Nam thu mua giá cao với 105.000 đồng/kg.

Thời điểm này, trên những cánh đồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân đang tất bật thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2024. Trên những cánh đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã, niềm vui của nông dân như được nhân đôi khi doanh nghiệp bao tiêu, năng suất lúa đạt cao và bán được mức giá ổn định.

Tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Chuyên (huyện Mỹ Xuyên) vừa thu hoạch xong 1 ha lúa giống RVT, giá bán 8.400 đồng/kg. “Vụ lúa Đông Xuân năm nay, năng suất thu hoạch đạt gần 7 tấn/ha. Vụ này trừ đi mọi chi phí, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng so với năm trước”, ông Chuyên cho biết.

Nhìn nhận về thị trường vụ lúa Đông Xuân 2024, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), cho biết vụ Đông Xuân năm nay người dân không chỉ được mùa mà còn được cả giá. Với giá lúa hiện nay, người dân lãi khoảng 60% theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội tài chính đã công bố là khoảng 4.000 đồng/kg.

Còn đó những nỗi lo

2
Khi sầu riêng tăng giá đã xảy ra tình trạng tranh mua-tranh bán. Ảnh: Hoàng Nam

Với ngành cà phê, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group đánh giá, giá cà phê đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đây là mức giá trong mơ của người nông dân. Song đồng thời cũng chỉ ra nghịch lý, thông thường, mọi năm, đây là thời điểm thương nhân đã bán ra và chỉ chờ giao hàng, nhưng năm nay, có hiện tượng thương nhân hạn chế bán ra, chờ giá lên cao hơn nữa.

Với giá cà phê quá cao như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là giá thực. Giá cả nông sản có lên, có xuống, khi đạt đỉnh rồi sẽ phải hạ xuống. “Giá cà phê đã quá cao rồi. Khả năng rủi ro rất cao và khó đưa ra dự báo cho giá cà phê hiện nay”, ông Nam lo lắng.

Không chỉ biến động giá, ngành nông sản Việt Nam vẫn còn đối mặt với những khó khăn cũ nhưng sẽ là thách thức lớn. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết các DN thủy sản nhận định, nguyên liệu là vô cùng quan trọng trong sản xuất kinh doanh thủy sản toàn cầu. “Chúng ta không chỉ cần có số lượng hàng hóa lớn mà quan trọng là chất lượng nguyên liệu, nguyên liệu hợp pháp và giá thành hợp lý”, bà Sắc nói.

Với ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhấn mạnh các DN cần phát triển dòng sản phẩm mới, mẫu mã mới thích ứng với các thay đổi tại các thị trường. Ví dụ tại thị trường Mỹ, nhu cầu về dòng sản phẩm đồ gỗ dùng cho giáo dục ngày càng tăng hoặc tại thị trường Đức nhu cầu về đồ gỗ nội thất trong phòng ngủ tăng cao.

Đồng thời, các thị trường xuất khẩu chính tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu như một hàng rào kỹ thuật quan trọng đối với nhiều nhóm mặt hàng từ các nước xuất khẩu trong đó có Việt Nam, liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và phát triển xanh và sạch. Ví dụ: cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính, thiết kế sinh thái, Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) tại Liên minh châu Âu và của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tại Mỹ (SEC)/quản lý dữ liệu về ESG (môi trường, xã hội và quản trị)

Trong khi đâu đó, vẫn còn tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng tới toàn thị trường. Trong một cuộc họp về ngành lúa gạo mới đây, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, cho biết có hiện tượng một số doanh nghiệp chào giá thấp hơn thị trường. Đơn cử, doanh nghiệp chào giá 900 USD/tấn, nhưng doanh nghiệp khác chỉ chào 800 USD/tấn, ảnh hưởng tới sự cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn đang thiếu thông tin về thị trường, vì vậy kiến nghị cơ quan chức năng thường xuyên hỗ trợ thông tin để nắm bắt tình hình.

Từ những thực tế trên có thể thấy rằng, ngành nông nghiệp đang đạt kết quả khá tích cực nhưng rủi ro cũng không ít. Cùng với đó, việc nâng cao thêm giá trị trên một đơn vị diện tích cần phải đẩy mạnh, tránh tình trạng giá cao ồ ạt trồng, giá thấp chặt bỏ.

Đơn cử câu chuyện của ngành hồ tiêu, do trải qua nhiều thăng trầm, đến nay diện tích tiêu suy giảm mạnh. Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết Việt Nam là quốc gia sản xuất số một trên thế giới trong suốt hơn 20 năm qua, nhưng sản lượng đang có xu hướng giảm trước sự gia tăng của một số cây trồng có lợi nhuận tốt hơn. Từ tỷ trọng chiếm bình quân 40% sản lượng toàn cầu hằng năm, năm 2023, thị phần tiêu của Việt Nam giảm xuống còn 35% và năm 2024 dự báo giảm xuống còn 31,8% trong khi thị phần của Brazil tăng từ 17,5% năm 2023 và có thể lên đến 19,6% năm 2024. Thị phần của một số nước khác không có nhiều sự biến động.

Theo các chuyên gia, mặc dù thị trường xuất khẩu nông sản đang có nhiều tín hiệu tích cực, song để bảo đảm sự phát triển bền vững, thiết lập thị trường nhập khẩu ổn định, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết, thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu để có đối sách trong xây dựng nguồn nguyên liệu cũng như chế biến, đóng gói xuất khẩu.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ sẽ tiếp tục làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Qua đó, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới; đồng thời, coi trọng xây dựng thương hiệu nông sản Việt.