Bà con Ba Na (Gia Lai) xóa đói giảm nghèo nhờ làm cà phê sạch

Với phương châm “đất tốt, vườn xanh, nhà nông khỏe mạnh”, đồng bào Ba Na ở xã Glar, huyện Đăk Đoa rủ nhau trồng cà phê sạch theo tiêu chuẩn Rain Forest. Nhờ vậy, bà con vừa giữ được năng suất vườn cây ổn định, vừa bán được sản phẩm với giá cao hơn thị trường.

Anh Xuân, ở làng Groi Wêt, xã Gla là một trong những hộ tiên phong trong làng trồng cà phê theo tiêu chuẩn Rain Forest. Anh cho biết, mình phải thay đổi cách trồng khi vườn đã quá cằn cỗi, 1,5 hecta mà chỉ thu được khoảng 3 tấn nhân/vụ. Từ khi anh tham gia mô hình canh tác theo quy trình Rain Forest, vườn cà phê tốt lên trông thấy. Tham gia mô hình, anh Xuân được hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa cành cà phê, nuôi thảm cỏ nhằm giữ độ ẩm cho đất và sử dụng trấu cà phê ủ làm phân bón, và trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học. Với cách làm này, chi phí đầu tư giảm khoảng 20% so với trước và cho thu hoạch đạt gần 5 tấn nhân.

“Tham gia mô hình này, thứ nhất mang lại không khí trong lành, bản thân mình là người làm thì có lợi trực tiếp cho sức khỏe của mình. Hai là mình muốn hướng tới an toàn cho sản phẩm cho cộng đồng khi sử dụng cà phê. Ngoài sản xuất cà phê sạch, mình với bà con trong làng mong muốn cà phê của người Ba Na làm ra sẽ được chế biến sâu, để có một sản phẩm do chính bà cn Ba Na ở Gla làm ra. Từ đó, sản phẩm sẽ được tiêu thụ đi các nơi, thậm chí là ở nước ngoài, tôn vinh hạt cà phê của người Ba Na”, anh Xuân chia sẻ.

Tương tự, niên vụ vừa rồi, anh Uê, làng Tươh Klah, xã Gla có 2 hecta cà phê tham gia mô hình cà phê có chứng nhận. Theo anh Uê, trước đây, chi phí tiền phân, công làm cỏ, tưới, thu hái hết khoảng 100 triệu đồng/năm. Từ khi tham gia mô hình, chi phí đầu tư giảm rất nhiều. Ngoài ra, khi thu hoạch, anh chọn những quả chín để nâng cao chất lượng hạt cà phê. Vụ vừa rồi, gia đình thu hoạch được khoảng 7 tấn nhân, trừ chi phí thì lãi hơn 150 triệu đồng.

“Khi là người tiên phong chuyển đổi cũng rất khó khăn, nhưng khi đã thành công thì điều mình nghĩ trong lòng là khuyên bà con làm theo mình. Làm cà phê sạch là có lợi cho sức khỏe, giá trị thì tăng thêm, góp phần xóa đói giảm nghèo”, anh Uê nói.

Niên vụ cà phê 2022-2023, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh liên kết với 36 hộ dân (24 hộ là người dân người Ba Na) triển khai mô hình vườn chuyển đổi canh tác theo tiêu chuẩn Rain Forest với diện tích gần 70 hecta. Mô hình không những giúp cho các vườn cà phê ổn định năng suất, nâng cao chất lượng mà còn tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Lê Hữu Anh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, việc sản xuất ra được cà phê nguyên liệu chất lượng cao còn tạo bệ phóng để hợp tác xã triển khai chế biến sâu, xây dựng thương hiệu. Hiện tại, HTX đã có cà phê bột chất lượng cao thương hiệu Slarland, được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của Gia Lai.

“Khi hộ đồng bào chuyển đổi làm được cà phê sạch, làm nguyên liệu cho chế biến sâu, tạo ra sản phẩm cà phê rang xay, cà phê bột chất lượng cao cũng là một lợi thế để gia tăng giá trị tốt nhất cho sản phẩm cho bà con. Hợp tác xã cũng nghiên cứu và dần triển khai khâu thương mại điện tử, đưa sản phẩm cây cà phê của hợp tác xã lên sàn thương mại và có chiến lược bán hàng để làm sao doanh số bán ra được càng nhiều càng có lợi, đem lại giá trị về cho người nông dân”, ông Lê Hữu Anh cho biết thêm.

Bà Giang H’hom, Phó chủ tịch UBND xã Glar đánh giá, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất cà phê là bước đổi lớn trong ngành cà phê ở địa phương, tạo ra sản phẩm tốt cho xã hội, nâng cao được giá trị kinh tế, lại đảm bảo được an toàn vệ sinh môi trường. Thay đổi tích cực này đang lan tỏa sang các lĩnh vực khác, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân.

“Trước đây chưa có chủ trương thành lập chuỗi giá trị cà phê 4c, bà con vẫn áp dụng khoa học kỹ thuật cũ, không đạt năng suất, nhưng mà từ khi có chương trình chuỗi giá trị này thì bà con cũng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì những hộ đã canh tác trước đó thu nhập thấp nhưng theo chuỗi giá trị đã có giá trị kinh tế cao. Xã mong muốn chuỗi giá trị không riêng gì ở địa phương, mà muốn mô hình này có thật nhiều để giúp cây cà phê của bà con có giá trị cao hơn, giúp xóa đói giảm nghèo”, bà Giang H’hom bày tỏ.

Ngoài xã Glar, các vùng cà phê liên kết, chế biến và tiêu thụ theo hướng hữu cơ tuần hoàn đang được mở rộng khắp huyện Đăk Đoa và cả tỉnh Gia Lai. Các liên kết ấy đã kết nối được nguồn lực và năng lực của nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, giúp ngành cà phê giữ vững vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và khởi đầu cho liên kết – phát triển những ngành hàng khác ở vùng nông thôn Gia lai.