Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 11 tháng đầu năm 2024 đã mang về khoảng 6,6 tỷ USD, vượt chỉ tiêu 6 đến 6,5 tỷ USD do Bộ NN&PTNT giao trước 1 tháng.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 11 tháng, xuất khẩu rau quả đều thắng lợi ở nhiều thị trường, trong đó tăng nhiều nhất là xuất khẩu tới Trung Quốc và Mỹ.
“Với kết quả xuất khẩu hiện nay, ngành rau quả Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,2 tỷ USD trong năm 2024”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh
Một trong những thị trường nhập khẩu lớn trái cây của Việt Nam là thị trường Trung Quốc, ước đạt 4,6 tỷ USD, chiếm gần 70% lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường lớn, tiềm năng, với dân số 1,4 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối nên rút ngắn thời gian vận chuyển hàng từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc.
Các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng Việt Nam, giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành hàng rau quả Việt Nam. Hơn nữa, xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn có lợi thế về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên. Ðây là cơ hội lớn để trái cây Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này.
Mặc dù có nhiều lợi thế về địa lý, song trái cây Việt Nam vẫn đối diện với nhiều đối thủ cạnh tranh trên sân chơi quốc tế như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia và một số nước ở Nam Mỹ như Chile, Peru, Ecuador.
Do đó, doanh nghiệp và nông dân Việt vẫn phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật. Ðơn cử, hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của Hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt.../.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu