Nhiều nông dân háo hức kéo ra cánh đồng chứng kiến thu hoạch lúa tím do nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu cho năng suất cao ngay từ vụ đầu tiên.
Lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng/ha
Từ sáng sớm, trên cánh đồng lúa xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang rất đông bà con nông dân cùng đại diện chính quyền địa phương và bà con HTX nông nghiệp Tân Điền đã có mặt để sẵn sàng thu hoạch lúa tím lần đầu tiên được triển khai trong vụ đông xuân sớm.
Cánh đồng lúa xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang trong buổi thu hoạch lúa tím vụ đầu tiên. Ảnh: Minh Sáng.
Ông Võ Thanh Tâm, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Tân Điền cầm những bông lúa trĩu hạt trên tay hào hứng khoe: “Mô hình lúa tím này được bà con Hợp tác xã chúng tôi trồng hoàn toàn theo quy trình hữu cơ, không xịt thuốc bảo vệ thực vật, không xịt phân bón lá, chỉ rải phân hữu cơ chậm tan ngay từ đầu vụ nên đảm bảo chất lượng gạo sạch khi đưa ra thị trường”.
Theo ông Tâm, đây là vụ lúa đầu tiên nông dân trong Hợp tác mạnh dạn triển khai mô hình trồng lúa tím (SR21) trên diện tích 5ha do Công ty Cổ phần Đầu tư Saty Holding và Tiến sĩ Đào Minh Sô - tác giả giống lúa tím SR21, Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây trồng (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) hỗ trợ toàn bộ lúa giống cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho bà con thực hiện theo đúng quy trình.
Hiện HTX nông nghiệp Tân Điền có hơn 300ha đang phối hợp với các doanh nghiệp trồng lúa theo đơn đặt hàng. HTX đã ứng dụng các phương pháp sản xuất an toàn, giảm phát thải theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp để đảm bảo an toàn cho người sản xuất và cung ứng gạo sạch chất lượng ngon cho thị trường.
Rất đông bà con nông dân cùng đại diện chính quyền địa phương có mặt thu hoạch lúa tím. Ảnh: Minh Sáng.
Mô hình trồng lúa tím vụ đầu tiên được triển khai tại HTX nông nghiệp Tân Điền đã cho kết quả vượt ngoài mong đợi, năng suất đạt từ 7 - 8 tấn/ha, tương đương lúa thường. Tuy nhiên, nhờ được doanh nghiệp bao tiêu với giá 14.000 đồng/kg, đã giúp nông dân đạt lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận chưa từng có từ trước đến nay ở địa phương này.
“Bà con chúng tôi rất phấn khởi khi ngay từ đầu vụ đã được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ lúa với giá cao và ổn định giúp bà con có lời hơn trồng lúa khác. Hơn nữa, do thổ nhưỡng địa phương phù hợp nên cùng một giống, lúa trồng tại đây ngon cơm hơn những vùng khác”, ông Tâm khẳng định.
Ông Lê Văn Bê, một trong những hộ dân đầu tiên trồng 2ha giống lúa tím SR21 vừa thu hoạch xong phấn khởi tâm sự: “Ngay trong những ngày Tết Nguyên Đán, bà con chúng tôi vẫn thăm đồng và háo hức chờ đợi đến ngày thu hoạch. Đây là vụ lúa đầu tiên bà con trồng lúa tím, lúc đầu trồng giống mới cũng hơi lo lắng nhưng đến nay thu hoạch cho kết quả ngoài mong đợi. Bản thân tôi trồng lúa từ trước đến nay chưa bao giờ đạt được năng suất cao như vậy, mừng quá”.
Theo ông Bê, giống lúa tím rất dễ trồng, cây khỏe, hạt chắc, không bị sâu bệnh. Hơn nữa, mô hình này cũng được bà con thực hiện theo chương trình “1 phải, 5 giảm”, giảm phân, giảm thuốc, giảm lượng giống từ 130kg/ha xuống còn 100kg/ha, thậm chí có hộ giảm còn 80kg giống/ha nhưng vẫn đạt được năng suất cao.
Niềm vui của nông dân khi thu hoạch lúa tím đạt năng suất cao ngay vụ đầu tiên. Ảnh: Minh Sáng.
Điển hình như hộ ông Lưu Văn Nhu ở ấp Rạch Bùn, xã Tân Điền trồng 1,5ha lúa tím, đến nay thu hoạch đạt năng suất ngoài dự kiến. Theo ông Nhu, đầu vụ khi nhận được lúa giống về triển khai, ông đã chia đôi diện tích ruộng và sạ một bên 10kg và một bên sạ 8kg giống để làm đối chứng. Kết quả, bên sạ thưa thu hoạch cho năng suất đạt 8 tấn/ha, vượt trội so với ruộng đối chứng.
“Mấy chục năm trồng lúa, chưa bao giờ tôi thấy lúa đạt năng suất cao như vụ này. Những năm trước, sau khi trừ hết chi phí bình quân tôi chỉ lời khoảng 30 triệu đồng/ha, có năm thất giá chỉ lời 15 đến 20 triệu đồng/ha. Thế nhưng vụ này trồng giống lúa tím không ngờ lời tới 85 triệu đồng/ha. Do đó, chúng tôi rất mong mở rộng thêm diện tích lúa tím gắn với bao tiêu sản phẩm”, nông dân Lưu Văn Nhu mừng rỡ khoe.
Nhân rộng mô hình, tạo chuỗi liên kết
Những ngày qua, vùng trồng lúa tím của HTX nông nghiệp Tân Điền đang khẩn trương thu hoạch vụ đầu tiên. Nhiều nông dân vỡ òa trong niềm vui trúng mùa, được giá ngay đầu năm mới.
Những nông dân tiêu biểu trong mô hình trồng lúa tím vụ đầu tiên áp dụng tốt theo quy trình, sạ thưa cho năng suất cao được công ty trao thưởng trong buổi thu hoạch lúa tím đầu năm Ất Tỵ. Ảnh: Minh Sáng.
Theo HTX nông nghiệp Tân Điền, toàn bộ cánh đồng của HTX hàng chục năm qua chỉ sản xuất chuyên một số giống, khi thị trường đầu ra bấp bênh, nông dân thu lời ít. Vì thế, khi được Công ty Cổ phần Đầu tư Saty Holding đặt vấn đề với HTX triển khai cánh đồng sản xuất lúa tím và ký hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ, bà con rất yên tâm.
Ngoài ra, phía Công ty còn cung cấp máy đo mực nước tự động, máy hút côn trùng dùng pin năng lượng mặt trời… cho bà con áp dụng nên chi phí đầu tư rất thấp. Đến nay khi thấy mô hình hiệu quả, nhiều nông dân quanh vùng cũng muốn được tham gia vào sản xuất giống lúa này trong vụ tiếp theo.
“Trong vụ tới, HTX tiếp tục đề nghị Công ty tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa tím chuẩn quy trình hữu cơ và ký hợp đồng bao tiêu với nhiều nông dân hơn, thậm chí nếu thị trường ổn định và hướng tới xuất khẩu được sẽ nâng giá bao tiêu lên trên 14.000 đồng/kg để tăng thêm lợi nhuận”, ông Võ Thanh Tâm khẳng định.
Tiến sĩ Đào Minh Sô (đứng giữa) - tác giả giống lúa tím SR21 chia sẻ niềm vui với nông dân thu hoạch đạt năng suất cao trong mô hình. Ảnh: Minh Sáng.
Ông Nguyễn Thái Việt Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Saty Holding cho biết: “Chúng tôi đã tìm hiểu nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL và biết được tại địa bàn huyện Gò Công (Tiền Giang) từ xưa đã sản xuất được những dòng lúa rất ngon và nông dân cũng rất tân tiến, điều kiện đất đai, cánh đồng rộng cũng rất phù hợp để Công ty triển khai mô hình trồng lúa tím tại đây”.
Theo ông Huy, mô hình trồng lúa tím cũng được triển khai theo chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Chính phủ. Đây là vụ đầu tiên Công ty phối hợp với HTX nông nghiệp Tân Điền triển khai mô hình trồng lúa tím (SR21) hoàn toàn theo quy trình hữu cơ. Vụ đầu tiên sản lượng còn ít nên toàn bộ gạo đã tiêu thụ hết theo đơn đặt hàng, trong đó một phần được biếu tặng để thử sản phẩm mới. Giá gạo tím được bán ra với mức 108.000 đồng/kg và doanh nghiệp có kế hoạch sẽ mở rộng thêm vùng nguyên liệu tại địa phương này trong thời gian tới.
Giá gạo tím được bán ra với mức 108.000 đồng/kg nên HTX và doanh nghiệp đang tiếp tục có kế hoạch sẽ mở rộng thêm vùng nguyên liệu trong thời gian tới. Ảnh: Minh Sáng.
Theo Tiến sĩ Đào Minh Sô - tác giả giống lúa tím SR21, người dân muốn trồng lúa tím SR21 thì việc đầu tiên cần tìm đầu ra vì đây là sản phẩm hoàn toàn mới. Do đó, không nên trồng tự phát mà cần tham gia chuỗi liên kết với các doanh nghiệp và nhận giống chuẩn từ doanh nghiệp cũng như tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
"Khi nghiên cứu giống lúa tím, năng suất dự kiến của chúng tôi chỉ khoảng 6 - 6,5 tấn/ha, không ngờ giống lúa từ phòng thí nghiệm ra đồng ruộng mang lại lợi nhuận vượt ngoài mong đợi, dù mô hình còn nhỏ. Đây là giống lúa mới thuộc nhóm gạo dinh dưỡng được chúng tôi nghiên cứu từ năm 2016, mới được cấp bản quyền giống cuối năm 2024.
Giống lúa SR21 có đặc điểm nổi bật là chỉ số chuyển hóa đường GI (Glycaemic Index) thấp, ở mức 48, trong khi nhóm gạo dẻo có chỉ số GI hơn 70, gạo khô ở mức trung bình 55 - 70. Ngoài ra, gạo tím giống mới có chất chống oxy hóa cao, phù hợp với người ăn kiêng. Gạo này ngon cơm, dễ nấu như gạo trắng thông thường", Tiến sĩ Đào Minh Sô nói.
Dự Hội thảo "Doanh nghiệp Việt - Khát vọng cống hiến trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" diễn ra ngày 28/6 tại tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn ...
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia vừa đưa ra nhận định tình hình thời tiết trong 10 ngày tới tại Hà Nội và các vùng trên cả nước, tính từ đêm 15/7/2025 đến ngà...
Từ chủ trương hợp tác giữa hai Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã biến vùng đất Lào thành "mỏ vàng" với hàng trăm triệu USD doanh thu, góp p...
Việc sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai (cũ) với Bình Định thành tỉnh Gia Lai mới cùng dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sắp khởi công, đưa cảng Quy Nhơn vào vị thế “cửa ngõ” kết nối ...
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, mục tiêu xuất khẩu hạt điều năm 2025 là 4,5 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2024. Như vậy, xuất khẩu mặt hàng này 6 tháng cuối năm...
Một số doanh nghiệp rời khỏi lĩnh vực nông nghiệp sau thời gian thử sức. Nhưng đó không hẳn là thất bại. Trong một lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, thời gian dài, và rủi ro cao,...
Mô hình ứng dụng giống chịu hạn, tưới nhỏ giọt và bón phân chính xác ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cho thấy năng suất tăng 15‑20% trong khi lượng nước tưới giảm khoản...
Giá lương thực, dầu ăn và ngũ cốc tăng kỷ lục do căng thẳng chính trị và thời tiết khắc nghiệt, áp lực lên Việt Nam là cần ổn định sản xuất và kiểm soát vùng nguyên liệu ...
Trên 37% doanh nghiệp kỳ vọng tình hình kinh doanh quý III sẽ khởi sắc hơn so với quý trước, trong khi 43,5% cho rằng sẽ ổn định. Đây là chỉ dấu quan trọng cho thấy niềm ...