Về thăm làng nghề làm bánh gai truyền thống Yên Sở – Hà Nội

Vùng đất Yên Sở không chỉ nổi tiếng là “xứ dừa” duy nhất ở miền Bắc mà còn nức tiếng bao đời nay với món bánh gai vốn đã trở thành một thương hiệu riêng của nơi này. Người dân sinh sống ở xã Yên Sở- huyện Hoài Đức- Hà Nội, nhà nào cũng có nghề bánh gai từ thời cha ông truyền lại, tuy chẳng ai biết thứ bánh này ra đời từ khi nào.

Giữ cái tâm trong nghề

Đó là điều mà ông Nguyễn Xuân Hùng – phó bí thư chi bộ đội 7, xã Yên Sở luôn trăn trở. Trao đổi với phóng viên ông Hùng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 400 hộ dân sinh sống, tất cả các hộ đều biết làm bánh gai trong đó có 20 hộ ngày nào cũng làm bánh để cung cấp cho thị trường. Riêng gia đình ông đã làm bánh từ những năm 1991, thời gian cao điểm có ngày gia đình sản xuất 3.000 chiếc bánh gai bán cho khách đặt và cung cấp đến các nhà hàng. Các hộ dân ở Yên Sở thường chuẩn bị cho “mùa bánh” để phục vụ cho các lễ hội vào thời điểm sau Tết. Nhiều người thắc mắc: tại sao bánh gai lại có màu đen, khi làm bánh người ta có cho phẩm màu vào để tạo màu đen đó không?

Ông Hùng chỉ cho chúng tôi khu đồi cách nhà 100m, đó là nơi trồng lá gai chuyên dùng để làm ra vỏ bánh gai: “Ở xã tôi có tổng cộng hơn 10 ha trồng lá gai. Từ lá để tạo ra vỏ bánh, đến nhân dừa bên trong tất thảy đều được trồng trên mảnh đất này. Tôi luôn nhắc bà con trong thôn xóm, làm gì cũng phải giữ lấy cái tâm của người làm nghề, nhất là bánh gai lại là thứ bánh đặc sản của Yên Sở”.

Thơm ngọt hương vị bánh gai Yên Sở

Thời gian cao điểm của nghề làm bánh gai Yên Sở là những tháng cận kề Tết,thời điểm đó tất cả các hộ dân trong làng đều tất bật chuẩn bị lá gai cho mùa bánh Tết. Tại nhà chú Nguyễn Hữu Ấn, xóm Nấm – đội 7 – Yên Sở từng bì lá gai được phơi khô, đóng gói, gác lên mái bếp bảo quản. Cũng là hộ sản xuất bánh gai lâu năm, chú Ấn vừa thoăn thoắt gói bánh vừa kể cho chúng tôi nghe những buồn vui trong nghề làm bánh gai.

Hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Ấn có nghề làm bánh gai gia truyền tại xóm Nấm, đội 7, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội

Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, mỗi ngày gia đình chú chỉ làm vài chục cái bánh gai rồi chở đi bán dạo ở các khu vực lân cận. Đến nay, khi thị trường tiêu thụ bánh gai được mở rộng chú thường xuyên cung cấp bánh gai cho các nhà hàng chuyên bán đặc sản của địa phương hoặc nhận đơn đặt hàng từ các lễ hội, đền chùa…

Bất cứ loại bánh nào cũng vậy, để làm ra những chiếc bánh ngon điểm mấu chốt vẫn là nguyên liệu. Bánh gai Yên Sở nổi tiếng với vị thơm ngon, lớp vỏ bánh dày, chắc, đen bóng bởi người làm rất kĩ lưỡng trong từng bước chuẩn bị. Lá gai dùng để nấu bánh phải là lá bánh tẻ, bản to, sau khi hái về được đem rửa sạch, phơi khô để dùng dần. Lá gai cho vào nồi luộc khoảng 1 tiếng, khi chuyển sang màu đen lại đem rửa sạch lần nữa rồi vắt khô và đem đi nghiền.

Vỏ bánh gai được làm từ bột lá gai và bột gạo nếp thơm, đường theo tỉ lệ: 1 cân gạo, 3 lạng lá khô, 2 cân đường. Nhân bánh được làm từ nhân đậu xanh nghiền nhuyễn, trộn đường, dừa khô nạo thành sợi. Tùy theo ý của người mua, người làm bánh có thể thêm nhân bánh là thịt mỡ, hạt sen hay mứt bí… Trước khi dùng lá chuối khô gói bánh, người thợ rắc một lớp vừng trắng mỏng lên lớp vỏ bánh màu đen. Đặc biệt, thứ không thể thiếu ở bánh gai Yên Sở là những chiếc hộp đựng bánh xinh xắn.

Những chiếc lá dừa bé tẹo, mềm , xốp qua bàn tay khéo léo của những người thợ được xếp thành hình vuông, úp lại với nhau như chiếc hộp và ghim lại bằng chiếc tăm nhỏ. Chú Ấn mỉm cười: “ Kì công như vậy, nên chỉ khi nào khách yêu cầu làm hộp chúng tôi mới làm, còn bình thường bánh chỉ gói bằng lá chuối khô”. Nếm một miếng bánh gai vẫn còn hơi ấm, chúng tôi cảm nhận được vị ngọt của đường mía, dẻo của bột nếp, thơm mát của đậu xanh quyện với hương vị đặc trưng của lá gai. Quả không ngoa, khi nói rằng:

“Khi đi ta chẳng nhớ ai

Khi về ta nhớ bánh gai xứ Dừa”

Ngày nay, bánh gai đã trở thành món ăn quen thuộc với nhiều người, mỗi hộ dân ở Yên Sở trở thành một “xưởng sản xuất” nhỏ, tuy mất nhiều công nhưng nghề làm bánh gai đã mang đến nguồn thu nhập ổn định cho không ít hộ dân. Tiếng thơm đồn xa, mỗi dịp lễ Tết khách từ khắp nơi lại ghé qua Yên Sở đặt làm bánh gai gói lá dừa để lễ chùa hay làm quà cho người thân.