Trồng dâu với công nghệ thông minh

Tốt nghiệp ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, cô gái của xứ lạnh Đà Lạt Nguyễn Thị Thùy Linh lại muốn trở thành một “nông dân chính hiệu” với dự án trồng dâu tây Lyn Garden.

Trở thành nông dân

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Thùy Linh đã từng đi làm ở Tp.HCM và Phú Quốc hơn 10 năm. Năm 2019 cùng với biến cố của gia đình, cô quyết định trở về quê hương. Ấp ủ ước mơ “nông dân”, việc đầu tiên của Thùy Linh sau khi về quê hương là đăng ký học tại Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt chuyên ngành Công nghệ sinh học. Vừa học, Thùy Linh vừa tự đầu tư cho mình một vườn rau và dâu tây với 100m2 để vừa học vừa thực hành trên chính khu vườn của mình.

Gắn bó với cây dâu tây từ những năm 2000 khi gia đình bắt đầu trồng với giống dâu mỹ đá, Thùy Linh từng trải qua công việc trồng, chăm sóc dâu tới việc hái trái và đóng gói. Sau khi tiếp thu kiến thức của trường học cùng với những buổi học về khởi nghiệp, Thùy Linh ấp ủ dự án trồng dâu tây công nghệ cao với giống dâu Newzealand có độ ngọt, thơm và giòn đặc trưng. Trong giai đoạn nghỉ hè và thực tập cuối kỳ cô đã tiến hành dự án “Vườn dâu Lyn Garden”.

Ước mơ làm nông dân và công nghệ thông minh trồng dâu sạch - Ảnh 2.

Vườn dâu được chăm sóc kĩ lưỡng

“Vạn sự khởi đầu nan”, đó là những gì mà bất cứ ai trong quá trình khởi nghiệp cũng đều trải qua. Thùy Linh cũng vậy, cô cho rằng mình “thực sự gặp rất nhiều khó khăn” khi bắt đầu dự án. Đầu tiên là cô chi có một chút kinh nghiệm ít ỏi với trồng dâu tây từ ngày xưa của gia đình, trong khi đó kỹ thuật ngày càng tiên tiến, yêu cầu và thị hiếu ngày càng thay đổi. Thêm vào đó với tham vọng mong muốn mang lại sản phẩm dâu tây không chỉ ngon mà phải an toàn, chính bản thân Thùy Linh đã tự đưa ra mục tiêu khó khăn để đảm bảo những sản phẩm của mình làm ra có sự khác biệt trên thị trường.

“Tôi muốn tạo cho mình sự khác biệt qua việc cho người tiêu dùng biết sản phẩm họ mua từ ai, được chăm sóc thế nào, có đủ tin tưởng không? Tôi không muốn người tiêu dùng chỉ biết qua sản phẩm khi xem quảng cáo hoặc nhìn mẫu mã đẹp, mà muốn họ tự trải nghiệm hoặc “theo dõi” được cách mà từng trái dâu được làm ra trên đồng ruộng, để quyết định mình có yêu thích nó hay không”, Thùy Linh cho biết.

Vận dụng những kiến thức đã học tại trường và từ những buổi học từ cộng đồng khởi nghiệp, Thùy Linh đã dần dần thích ứng và vượt qua khó khăn về cách tiếp cận thị trường, đưa dâu tây Lyn Garden đến với người tiêu dùng và được đón nhận nhiệt tình. Cô cũng tin rằng, con đường khởi nghiệp sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng cô sẽ kiên định với mục tiêu “Sản phẩm tươi ngon đến khi ăn” và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong tương lai.

Áp dụng công nghệ thông minh để trồng dâu sạch

Ước mơ làm nông dân và công nghệ thông minh trồng dâu sạch - Ảnh 3.

Những trai dâu không chỉ ngon mà phải an toàn

Quay lại với sản phẩm từ vườn nhà, Thùy Linh cho biết, vườn dâu hiện áp dụng nhuần nhuyễn cả 2 loại phân hữu cơ và vô cơ với lượng lớn phân hữu cơ và vi sinh dùng để bón lót đất trước khi trồng dâu tây. Trong quá trình trồng bổ sung thêm phân vô cơ định kỳ từ hệ thống tưới nhỏ giọt. Vườn cũng áp dụng hệ thống điều khiển thông minh qua điện thoại để có thể tưới bất cứ khi nào.

“Dâu tây trồng trong nhà kính sẽ hạn chế được sâu bệnh hại nhưng không hoàn toàn loại bỏ được, vì vậy vẫn sẽ áp dụng các biện pháp thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết. Tuy nhiên tôi ưu tiên các biện pháp sinh học như sử dụng nấm đối kháng trichoderma, thuốc trừ sâu sinh học BT, bẫy sinh học, sau đó đến các loại thuốc được chiết xuất từ tự nhiên như cây thuốc cá, cây cúc, tỏi ớt gừng…. và ưu tiên cuối là sử dụng các loại thuốc hóa học tổng hợp với thời gian cách ly đầy đủ theo khuyến cáo. Dâu tây sau khi trồng từ ngó có thể thu hoạch sau 2 tháng, mỗi tháng nếu được mùa có thể đạt năng suất bình quân 200 – 250kg trên diện tích 1.000m2”, Thùy Linh cho biết.

Hiện tại, những trái dâu tươi ngon, được trồng công nghệ cao, cho ra sản phẩm sạch của “Vườn dâu Lyn Garden” được phân phối chủ yếu cho thị trường Tp.HCM thông qua kênh cộng tác viên, và đại lý. Ngoài ra nữ chủ nhân của vườn dâu cũng cung cấp ra thị trường Đà Lạt thông qua các điểm bán, siêu thị…

Thùy Linh cho biết, trong tương lai, cô mong muốn có thể mở rộng hệ thống đại lý ở một số tỉnh miền Trung và miền Bắc để sản phẩm được biết đến rộng rãi hơn. Song song đó Thùy Linh sẽ tập trung phát triển một số sản phẩm chế biến từ dâu tây ví dụ như dâu tây sấy thăng hoa, kẹo dâu tây socola và biến những viên kẹo dâu tây hoặc dâu tây sấy thăng hoa thành những bó hoa rực rỡ dành tặng cho khách hàng. Cô cũng mong muốn trong tương lai, khi mở rộng cơ sở sản xuất, có thể tạo việc làm cho nhiều nữ lao động địa phương với thu nhập ổn định.