Tiềm năng nuôi cá biển công nghiệp còn rất lớn

Sáng 6/7, tại huyện đảo Phú Quốc, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo phát triển nuôi cá biển công nghiệp tại Kiên Giang.

Tham dự hội thảo có các nhà quản lý, nhà khoa học nghiên cứu trên lĩnh vực thủy sản, các doanh nghiệp nuôi cá biển, thu mua cá biển trong, ngoài nước.

16-17-53_cong_nghe_nuoi_c_bien_cong_nghiep_hien_di_cu_n_uy_d_duoc_du_tu_nuoi_thu_nghiem_thnh_cong_tren_vung_bien_phu_quoc_1

Công nghệ nuôi cá biển công nghiệp hiện đại của Na Uy đã được đầu tư nuôi thử nghiệm thành công trên vùng biển Phú Quốc

Kiên Giang là tỉnh có diện tích ngư trường rộng lớn với trên 63.000 km2 và tuyến bờ biển dài gần 200 km, là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã có 2.737 lồng bè nuôi cá trên biển, sản lượng thu hoạch đạt trên 1.300 tấn, chủ yếu thả nuôi các loại cá mú và cá bớp. Nghề nuôi cá lồng bè trên biển tập trung ở các hòn đảo thuộc các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương…

Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè thương phẩm hiện nay ở Kiên Giang quy mô còn nhỏ lẻ; bè nuôi có kết cấu thô sơ, chủ yếu tự chế bằng gỗ, luôn phải di dời tránh gió bão theo mùa. Hơn nữa, do bè tự chế thô sơ nên thường phải nuôi gần bờ, dịch bệnh xảy ra nhiều. Đầu ra sản phẩm thời gian qua thiếu ổn định do nuôi tự phát, thiếu sự liên kết.

Vì vậy phát triển mô hình nuôi cá biển công nghiệp sẽ tạo điều kiện để Kiên Giang khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế biển. Tại hội thảo, bà Phan Thị Vân, Giám đốc Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I, đã giới thiệu mô hình nuôi cá lồng bè trên biển bằng công nghệ tiên tiến nhập từ Vương quốc Na Uy, đây là loại lồng nuôi chịu được sóng gió mạnh và thả nuôi được xa bờ. Loại lồng bè này đã được đưa vào nuôi thử nghiệm thành công trên vùng biển Phú Quốc.

Nuôi cá biển công nghiệp là nghề nuôi theo công nghệ lồng bè tiên tiến, lại thả nuôi xa bờ giảm được ô nhiễm nguồn nước so với nuôi lồng bè thô sơ như hiện nay, năng suất đạt rất cao. Tuy nhiên, để mô hình nuôi cá biển công nghiệp phát triển bền vững thì vấn đề đặt ra đó là tỉnh Kiên Giang cần phải tính đến việc quy hoạch vùng nuôi ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Theo các đại biểu, ngoài lợi thế về yếu tố điều kiện tự nhiên, ngành chức năng cần quan tâm đến nguồn thức ăn và nguồn cá giống thả nuôi phải đa dạng; đồng thời tổ chức lại khâu sản xuất theo chuỗi liên kết từ lồng nuôi đến thị trường tiêu thụ. Sản lượng cá nuôi thương phẩm cần đảm bảo chữ tín không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu vào thị trường Quốc tế.

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho biết, thị trường hải sản trên thế giới hiện nay gần như không có hạn chế, đầu ra rất thuận lợi. Ví dụ riêng nước Úc mỗi năm cần nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn hải sản các loại. Trong khi đó, theo kế hoạch thì Việt Nam đến năm 2030 mới đạt được 1 triệu tấn hải sản. Tuy nhiên, hải sản nuôi từng loài có thị trường riêng. Vì vậy, Hiệp hội yêu cầu các hội viên trước khi đầu tư thả nuôi cần phải tìm hiểu kỹ thị trường đầu ra, khi có hợp đồng mới nên đầu tư thả nuôi.

Theo Nông nghiệp