Thừa Thiên – Huế: Sâu bệnh gia tăng

Đến nay, diện tích lúa vụ ĐX trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chuyển giai đoạn làm đòng và chuẩn bị trổ; các đối tượng dịch hại phát sinh mạnh khiến người dân lo lắng.

15-39-24_phunthuoc

Người dân Thừa Thiên – Huế tích cực thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh

Vụ ĐX 2017 – 2018 toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế gieo cấy khoảng 27.000ha lúa. Theo nhận định của người dân, so với các vụ sản xuất trước, vụ ĐX năm nay do ảnh hưởng của tình hình thời tiết khắc nghiệt nên việc phát triển của cây lúa gặp nhiều bất lợi.

Những ngày gần đây, các đợt nắng nóng kéo dài xen lẫn với mưa lớn đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Trên diện tích gieo sạ một số giống như HN6, Ma lâm 48, JO2, LDA1… đã xuất hiện bệnh đạo ôn lá gây hại.

Qua thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy các đối tượng sinh vật gây hại khác như chuột, bệnh bạc lá vi khuẩn, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đốm nâu, gạch nâu… cũng phát triển mạnh; bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt lúa tiếp tục gây hại gia tăng trên diện tích lúa trổ – ngậm sữa.

Một số bệnh hại lúa diện tích ngày càng lớn như rầy nâu lưng trắng gây hại 222ha (tăng 58,5ha so với cùng kỳ năm trước); mật độ 750 – 1.500 con/m2; diện tích nhiễm trung bình 10ha với mật độ 1.500 – 3.000 con/m2, diện tích nhiễm nặng 3ha mật độ >5.000 con/m2 tại xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy; Hương Phong, thị xã Hương Trà;

Đáng chú ý có 3.777ha bị nhiễm bệnh khô vằn, tỷ lệ bệnh 10 – 20%, bệnh cấp 1 – 3. Trong đó diện tích nhiễm trung bình khoảng 285ha với tỷ lệ bệnh 25 – 40% bệnh cấp 3 – 5, diện tích nhiễm nặng 10ha tỷ lệ bệnh >40% bệnh cấp 5 – 7 tập trung tại các xã Quảng An, Quảng Lợi của huyện Quảng Điền, Khu 1 – 2 của huyện Phú Lộc…

Thêm vào đó nạn chuột phá hoại đã ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng của cây lúa, hiện có 165ha bị chuột hoành hành, tăng 127ha so với cùng kỳ năm trước, tập trung nhiều tại các HTX tại Hương Trà, Phú Lộc, Quảng Điền.

Theo dự kiến của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian tới sinh vật gây hại như chuột, bệnh bạc lá vi khuẩn, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đốm nâu, gạch nâu… tiếp tục tồn tại và phát triển trên đồng ruộng. Các bệnh như đạo ôn cổ bông, lem lép hạt lúa, khô vằn gia tăng. Rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ có khả năng gây hại nặng cục bộ trên diện tích lúa làm đòng – trổ. Chi cục đang tập trung hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp xử lý nhằm hạn chế sâu bệnh lây lan trên diện rộng.

Theo Nongnghiep.vn