Thanh Hóa: Hiệu quả mô hình cá – lúa

Nhiều huyện của tỉnh Thanh Hóa chuyển đổi từ độc canh cây lúa năng suất thấp sang mô hình kết hợp trồng lúa với nuôi cá. Bước đầu cho thấy mô hình này dễ thực hiện, rủi ro thấp, thời gian sinh lãi ngắn nên thu hút nhiều hộ dân tham gia.

Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, từ năm 2009 đến hết tháng 3/2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt 23.846 ha đất lúa năng suất thấp sang các loại cây trồng hiệu quả cao hơn và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có khoảng 8.700 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực trũng thấp chuyển đổi sang mô hình lúa – cá.

Mô hình cá – lúa chi phí đầu tư ít, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên. Trong một năm có thể nuôi gối vụ, cho thu hoạch nhiều lứa. Nhiều hộ ở các huyện Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Hoằng Hóa… còn trồng xen canh cây sen trong vụ hè thu và tận dụng một phần diện tích thả nuôi vịt thương phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Trung bình một ha cá – lúa kết hợp cho lợi nhuận 60 – 100 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, hiện mô hình cá – lúa ở các địa phương chủ yếu do hộ dân tự chuyển đổi nên nằm rải rác, chưa hình thành vùng nuôi tập trung. Vì vậy, chưa có hệ thống cấp, thoát nước phù hợp. Nguồn nước chủ yếu tận dụng hệ thống kênh mương nội đồng, không bảo đảm yêu cầu do bị ô nhiễm từ thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, mô hình chỉ thật sự hiệu quả kinh tế đối với những vùng thuần nước ngọt, không bị nhiễm phèn chua. Vì vậy, ngành chức năng ở một số địa phương đang triển khai xây dựng đề án chuyển đổi mô hình cá – lúa sang chuyên canh nuôi trồng thủy sản để phát huy hiệu quả kinh tế.