Phú Thọ: Người dân “ốc đảo” và khát vọng thoát nghèo

Thiên nhiên mang lại vẻ đẹp hoang sơ cho vùng đất Đông Khê (Đoan Hùng, Phú Thọ). Nhưng đằng sau cái vẻ đẹp mà thiên nhiên mang lại thì có một bộ phận không nhỏ người dân ngòi Han (xã Đông Khê) chịu cảnh khốn khó vì địa hình thiên nhiên chia cắt.

Người dân ngòi Han vẫn phải qua lại đôi bờ bằng cầu khỉ mong manh như thế này. Ảnh: V.Tính

Người dân ngòi Han vẫn phải qua lại đôi bờ bằng cầu khỉ mong manh như thế này. Ảnh: V.Tính

Dòng ngòi Han nối từ sông Chảy chảy vào chia cắt khu 1 xã Đông Khê thành hai phần. Cũng vì đó, nó chia cắt bức tranh cuộc sống khu dân cư miền núi này thành hai mảng màu đối lập. Bên mảng trái ngòi là khu dân cư liền đất với các khu dân cư khác của xã Đông Khê có cuộc sống khá sung túc với điện đường, trường trạm, hạ tầng đồng bộ. Còn bên phải giáp với huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) thì đang có gần 40 hộ dân sống lay lắt với thiếu thốn đủ đường. Người dân ở đây sống trong cảnh không trường, không trạm, không cầu, không đường, không nhà văn hóa…

Tìm hiểu PV được biết, gần trăm con người nơi đây mới chỉ biết đến ánh sáng đèn điện được 3 năm khi mà ngành điện lực kéo điện vòng qua đất Tuyên Quang về cho người dân. Một người dân chia sẻ: “Ngòi Han khi mùa cạn thì mọi người còn dám đi qua cầu khỉ được làm bằng tre. Nhưng mùa nước lên, đặc biệt là đầu nguồn có mưa to thì nước lũ cuồn cuộn chảy, đục ngàu, hung dữ… chúng tôi không dám đi qua cầu khỉ nữa. Mà nhiều khi, lũ đến thì cầu khỉ cũng không còn, bị cuốn trôi hết. Chúng tôi muốn đến trung tâm xã thì phải đi vòng sang đất Tuyên Quang khoảng 10km về hạ nguồn mới sang được”.

Không có cầu, có đường, việc sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Trên chiếc cầu tre tạm bợ, vào mỗi mùa thu hoạch, họ phải chia nhỏ nông sản để gánh qua ngòi, hay vận chuyển ra cửa ngòi đoạn giáp với sông Chảy thuê thuyền chở về nhà.

Theo ông Vũ Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê thì gần 50% số hộ bên phải ngòi Han thuộc diện nghèo. “Người dân ở đây vẫn mơ có một cây cầu để việc đi lại được thuận tiện”, vị Phó Chủ tịch xã chia sẻ.

Không những khó khăn trong phát triển kinh tế, do không đường, không nhà văn hóa, xa trạm y tế… nên mỗi khi có người ốm đau, người dân ở đây lại gặp vô vàn khó khăn. Sống bên hữu ngòi Han từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Quý (năm nay 85 tuổi, người cao tuổi nhất của thôn) bộc bạch rằng, người dân muốn đi chợ mua con cá, mớ rau cũng phải qua sông. Mùa nước cạn còn đỡ, chứ mùa mưa lũ nhà hết gạo ăn cũng đành nhịn. “Bị cô lập, cách trở về giao thông, cuộc sống mưu sinh quá vất vả nên thanh niên và người còn sức khỏe đều đã bỏ làng đi làm ăn xa rồi. Trong thôn chỉ còn người già và trẻ em. Chỉ mong sao có một cây cầu cho chúng tôi đỡ khổ”, ông Quý nói.

Được biết, việc xây một cây cầu treo ở đây mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát. Một cây cầu treo kiên cố vẫn còn trong giấc mơ của người dân. Họ đang mong manh chờ đợi một cây cầu để gánh bớt những nhọc nhằn, cư cực trong vấn đề đi lại và cũng là cơ hội để xóm nghèo của họ được phát triển.

Theo Gia đình & Xã hội