Trang chủ Nhà Nông Xanh Phấn đấu đến năm 2020 giá trị xuất khẩu đồ gỗ và...

Phấn đấu đến năm 2020 giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 11 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Quyết định số 5249 /QĐ-BNN-TCCB về việc Phát động phong trào thi đua đặc biệt, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trong đó có mục tiêu đến năm 2020 giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 11 tỷ USD.

Phấn đấu đến năm 2020 giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 11 tỷ USD (Ảnh TL)

Để thực hiện Quyết định này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra chủ trương tập hợp và động viên sức mạnh của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản của Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,05%/năm; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%, diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha.

Bên cạnh đó, mục tiêu của Quyết định cũng phấn đấu đưa năng suất rừng trồng bình quân đạt 20m3/ha/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 11,0 tỷ USD; duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Tập thể, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương; các cơ quan nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ; các vườn quốc gia, khu bảo tồn; các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp; các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm nghiệp và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Quyết định này cũng chỉ rõ: Bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và rừng được tạo mới, đảm bảo 15% diện tích hệ sinh thái rừng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng; đến năm 2020, tăng thêm khoảng 100.000 ha rừng đặc dụng. Tăng cường năng lực thực thi pháp luật, giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm giảm 35% so với giai đoạn 2011 – 2015.