Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản

Hiệu quả từ dự án phát triển chăn nuôi bò sinh sản đã góp phần giúp cho bà con phát triển kinh tế, từng bước vươn lên giảm nghèo bền vững.

Thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn, là hai nguyên nhân chính khiến cho rất nhiều hộ gia đình tại một số huyện vùng cao của  tỉnh Thái Nguyên chưa thể thoát khỏi đói nghèo.

Để trợ giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên xóa đói, giảm nghèo, tỉnh Thái Nguyên đã duy trì mô hình nuôi bò sinh sản trong nhiều năm.

Nuôi bò sinh sản từ lâu đã được đánh giá là mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, chi phí chăn nuôi ít và cũng ít rủi ro. Đây là mô hình thích hợp có thể triển khai tại các địa phương có điều kiện chăn thả tốt, và có nguồn thức ăn chăn nuôi dồi dào. Mô hình nuôi bò sinh sản vì vậy được bà con nông dân tại các huyện miền núi phát triển từ rất sớm. Mô hình này cũng được ngành nông nghiệp và các địa phương khuyến khích nhân rộng. Điển hình là dự án nuôi tại Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hoá…

Võ Nhai là một trong những huyện vùng cao thuộc tỉnh Thái Nguyên, với 14 xã và 1 thị trấn, với 9 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 72,61%. Hiện nay, huyện có 7 xã khu vực III, 8 xã, thị trấn khu vực I. Toàn huyện có 59 xóm đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, huyện Võ Nhai đã huy động mọi nguồn lực, đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nhằm giúp đồng bào DTTS có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội luôn được lãnh đạo huyện Võ Nhai quan tâm và coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện đã đạt được những kết quả toàn diện, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể.

Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên, huyện Võ Nhai cho biết: Năm 2023, xã La Hiên được giao thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, dự án nuôi bò Lai shind sinh sản của Tổ sản xuất cộng đồng xã La Hiên gồm có 12 thành viên thuộc 3 xóm, trong đó có 1 thành viên là Trưởng xóm, 1 thành viên là người làm kinh tế giỏi, 6 hộ là hộ nghèo, 3 cận nghèo và 1 hộ thoát nghèo dưới 36 tháng.

“Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển, để người dân các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn và có điều kiện vươn lên thoát nghèo”, ông Cử cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Bà Ma Thị Quý, xóm Làng Giai đã hỗ trợ 1 con bò cái từ chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững.

Là một trong 12 hộ nghèo của xã La Hiên được thụ hưởng dự án nuôi bò Lai Shind sinh sản, gia đình bà Ma Thị Quý, xóm Làng Giai, đã được hỗ trợ 1 con bò cái. Bà Quý phấn khởi cho biết: “?Trước đây gia đình tôi khó khăn quá, nên không đủ điều kiện mua bò về nuôi. Khi được nhà nước hỗ trợ một con bò sinh sản, gia đình tôi mừng lắm. Đây là tài sản lớn của gia đình, do đó, để bò phát triển tốt và sinh sản ra bê con, tôi đã trồng thêm cỏ chăn nuôi. Đến nay, trong chuồng con bò béo tốt, cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn trước rất nhiều”.

Từ một hộ nghèo trên địa bàn xã, đến nay,  hộ bà Ma Thị Quý đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi, có điều kiện sửa sang nhà cửa sạch gọn hơn. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm được tích lũy, con giống từ ngày được nhận ngày một sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Chú thích ảnh
Chị Lý Thị Hồng, xã Cù Vân, huyện Đại Từ là một trong 16 hộ dân được nhận bò giống theo Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững đang chăm sóc tài sản “lớn” của gia đình.

Còn tại xã Cù Vân, huyện Đại Từ, mô hình chăn nuôi bò sinh sản cũng đã mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ dân. Gia đình chị Lý Thị Hồng, xã Cù Vân, huyện Đại Từ, là một trong 16 hộ dân được nhận bò giống theo Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững.

Chị Hồng vừa nhanh tay cắt cỏ chăn bò vừa phấn khởi chia sẻ: “Sau khi nhận bò dự án, gia đình tôi đã xây dựng chuồng trại, tích cực trồng cỏ để chăn bò. Ngoài ra, trong suốt quá trình chăn nuôi gia đình còn được cán bộ xã thường xuyên đến thăm, kiểm tra và hướng dẫn phòng chống các bệnh trên vật nuôi”.

Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Cù Vân cho biết: Về cơ bản, dự án triển khai có nhiều thuận lợi, các chế độ, chính sách được triển khai nhanh, các văn bản hướng dẫn cụ thể, quá trình khảo sát thực hiện dự án có nhiều thuận lợi, người dân được hỗ trợ con giống rất phấn khởi và cam kết sau khi triển khai dự án sẽ cố gắng nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, xã Cù Vân cũng có điều kiện khí hậu, thổ dưỡng phù hợp, đất đai rộng để trồng cỏ, lúa, ngô, chuối, tạo nguồn thức ăn dồi dào cho bò phát triển.