Thanh Hóa triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

Sau 6 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã phát huy được thế mạnh sản xuất ở mỗi vùng miền; khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

z4871172744272-a9322ee31a3e93f541aedc9e9f154f92-1713340356
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 485 sản phẩm OCOP.

Thanh Hóa là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với gần 200 làng nghề truyền thống và hơn 600 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.

Bên cạnh việc phát huy tính năng động, sáng tạo của các chủ thể, tỉnh Thanh Hóa đã và đang có nhiều giải pháp đồng bộ, đề cao trách nhiệm “đỡ đầu” của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu, xác lập chỗ đứng trên thị trường vững chắc đối với các sản phẩm OCOP của địa phương.

Chương trình OCOP đã ngày càng đi vào chiều sâu, tạo chỗ đứng ngày càng vững chắc cho các sản phẩm, không chỉ góp phần giúp các nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm phong phú trên thị trường; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 485 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, đa phần sản phẩm OCOP của tỉnh đều được phát triển ở quy mô nhỏ lẻ. Do đó, trên cơ sở định hướng, hỗ trợ của tỉnh và sự chủ động đầu tư của các thành phần kinh tế, các sở, ngành đã tích cực tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP; tạo điều kiện, hỗ trợ chủ thể tham gia gian hàng tại hội chợ, gian hàng trên sàn thương mại posmart.vn và voso.vn…

Các sở, ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh đã tổ chức hội nghị đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu để cập nhập trên cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tổ chức, tạo điều kiện để các chủ thể tham gia nhiều hội chợ, thương mại và quảng bá sản phẩm… Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường và dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã và đang chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; hỗ trợ chủ thể về nguồn lực và cơ chế chính sách để đầu tư mở rộng sản xuất, quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng công nghệ, quy trình tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ các chủ thể xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm OCOP… góp phần phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững.