Thái Nguyên hướng tới phát triển nông nghiệp xanh

Tỉnh Thái Nguyên hướng tới đẩy mạnh thực hiện phát triển chăn nuôi theo hướng “tăng trưởng xanh”, nhằm đảm bảo sự bền vững, hiệu quả trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị kinh tế trong chăn nuôi.

ga-thai-nguyen-17183612449181075070550
Mô hình chăn nuôi gà tại huyện Đông Hỷ, tỉnh Thái Nguyên

Chăn nuôi phát triển theo hướng tích cực

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, hiện nay tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang phát triển tích cực theo hướng chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhanh, thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình. Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2024 của tỉnh ước đạt 7.497 tỷ đồng; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 222.850 tấn; sản lượng trứng gia cầm 465 triệu quả. Tổng đàn trâu, đàn bò 95.000 con; lợn 600.000 con, gia cầm 16 triệu con. Trong đó, đàn lợn ngoại, lợn lai năng suất, chất lượng đạt 76% tổng đàn; đàn gà lông màu có chất lượng đạt 87% tổng đàn. Quy mô chăn nuôi trang trại chiếm 46% tổng đàn; cơ sở chăn nuôi lợn gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm chiếm trên 65% so với tổng đàn.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 74 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi, 9 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, 30 doanh nghiệp, công ty liên doanh, liên kết chăn nuôi chuỗi thịt lợn, gà.

Thái Nguyên cũng đang duy trì hoạt động 20 chuỗi liên kết sản xuất-giết mổ, chế biến-tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi như: Chuỗi sản xuất chăn nuôi gắn với giết mổ của Công ty Vinatuco Việt Nam trong cung ứng con giống, thức ăn cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và thu mua lợn giết mổ, tiêu thụ sản phẩm; chuỗi sản xuất chăn nuôi gắn với giết mổ của Công ty TNHH Dũng Minh và Công ty TNHH Hương Nguyên Thịnh trong cung ứng thức ăn, thuốc thú y cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và thu mua lợn giết mổ, tiêu thụ sản phẩm…

Triển khai thực hiện Đề án xây dựng và quản lý hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm, tỉnh đã xây dựng và duy trì kiểm soát giết mổ tại 9 cơ sở giết mổ để cung cấp sản phẩm thịt lợn, thịt gà cho các siêu thị, bếp ăn tập thể, chợ kinh doanh sản phẩm động vật; các địa phương đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

Hướng tới tăng trưởng xanh trong chăn nuôi, thú y

Thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng tăng trưởng xanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận; nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngành hàng, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai thực hiện hành động tăng trưởng xanh với những giải pháp phù hợp.

Trong đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về tăng trưởng xanh trong hoạt động chăn nuôi, thú y, thủy sản của người sản xuất, kinh doanh, thay đổi hành vi của người tiêu dùng và sử dụng tài nguyên theo lối sống xanh, bền vững. Đa dạng hóa các phương thức truyền thông; trong đó nâng cao nhận thức và hiểu biết của các bên liên quan thông qua các cuộc đối thoại chính sách về tăng trưởng xanh, chuyển đổi hệ thống chăn nuôi tuần hoàn-carbon thấp.

Hướng tới phát triển sản xuất chăn nuôi, thủy sản xanh-sạch-an toàn-bền vững, về chăn nuôi, Thái Nguyên thực hiện chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, hình thành vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ.

Tất cả các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi côn trùng, sản xuất năng lượng tái tạo…

Tỉnh Thái Nguyên cũng thực hiện xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng bền vững, thúc đẩy tiêu dùng xanh, phát triển thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản sản xuất theo hướng xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ chi phí và thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ, chi phí và thủ tục cấp chứng nhận, có chính sách trợ giá sản phẩm, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản gắn với mã định danh trang trại và chỉ dẫn địa lý, xây dựng vùng nguyên liệu xanh.

Xây dựng, tổ chức giới thiệu thương hiệu sản phẩm của các mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc gắn với du lịch sinh thái, an toàn, thân thiện với môi trường, tôn vinh sản phẩm “xanh” gắn với văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Thời gian tới, Thái Nguyên phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi xanh-carbon thấp cho các sản phẩm chăn nuôi chủ lực; triển khai dán nhãn, công nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, tuần hoàn, hữu cơ sinh thái cho các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản phẩm OCOP xanh.

Ngoài ra, tăng cường chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, tiếp cận áp dụng công nghệ mới xanh, sạch, hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên từ phế, phụ phẩm, xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất chăn nuôi, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Đồng thời, phát triển phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chăn nuôi trên địa bàn.