Lạng Giang (Bắc Giang): Sản phẩm OCOP nâng tầm nông sản địa phương

Triển khai chương trình OCOP từ năm 2018, huyện Lạng Giang đã không ngừng nỗ lực phát triển các sản phẩm địa phương, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, chương trình OCOP đã tạo được những dấu ấn tích cực, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Trên địa bàn toàn huyện hiện nay có 27 sản phẩm OCOP được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao tập trung ở 18 xã (Quang Thịnh, Mỹ Thái, Tân Dĩnh, Tân Thanh, Nghĩa Hòa, Tân Hưng, Thái Đào, Đại Lâm, Xuân Hương, Tiên Lục, An Hà, Mỹ Hà, Đào Mỹ, Hương Sơn, Nghĩa Hưng, Xương Lâm, Dương Đức, TT Vôi) và có 19 chủ thể là hợp tác xã (HTX) và hộ gia đình. Trong đó một số sản phẩm tiềm năng 4 sao có thể kể đến như giò Lụa – HTX kinh doanh Thao Thanh (xã Xuân Hương), nấm Đông trùng hạ thảo (xã Dương Đức)…; nhóm thực phẩm có 23 sản phẩm, nhóm đồ uống 02 sản phẩm.

1
Nấm Đông trùng hạ thảo (Công ty TNHH nấm dược liệu ADENCO) là sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao.

Riêng năm 2023, toàn huyện có thêm 04 sản phẩm công nhận mới gồm: mì gạo Hương Lạc, mật ong Yên Mỹ, thịt chưng mắm tép Quyết Thắng, xôi sắc màu Hương Sơn; 5 sản phẩm công nhận lại là: Đông trùng hạ thảo Adeco, rượu men lá Thủy Thượng, thịt lợn sạch, chả lụa, bưởi Quang Thịnh.

UBND huyện cũng tập trung hỗ trợ các chủ thể sản xuất về bao bì, tem, nhãn mác, đảm bảo theo yêu cầu của bộ tiêu chí phân hạng các sản phẩm OCOP; hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc sản xuất; hỗ trợ tập huấn nâng cao nhận thức cho các chủ thể tham gia chương trình. Từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương. Cùng với đó tiếp tục củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh theo hướng liên kết sản xuất.

2
Các sản phẩm được đầu tư về mặt thương hiệu, bao bì bắt mắt, tạo nhận diện cao.

Có thể kể đến một số sản phẩm OCOP đã được nâng cao về chất lượng, quy mô mô sản xuất, mẫu mã sản phẩm và có sức tiêu thụ lớn, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và tìm mua (nấm Đông trùng hạ thảo của Công Ty TNHH nấm dược liệu ADENCO; nấm rơm, nấm mộc nhĩ của HTX Hưng Vượng, Thành Đạt; rượu Thủy Thượng; thịt trưng mắm tép của HTX Quyết Thắng; Dứa Hương Sơn; thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn của HTX Thao Thanh…).

3
Các địa phương, HTX trên địa bàn huyện cũng đặc biệt tập trung vào quy mô và quy trình, công nghệ sản xuất đạt hiệu quả, cho năng suất cao.

Các HTX, chủ thể đã tập trung đầu tư trang thiết bị để sản xuất trong đó tập trung nâng cao mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh như: Quảng Ninh, Hà Nội. Tham gia các hội chợ, trưng bày sản phẩm gắn với các hoạt động, đại hội Đảng, kỷ niệm các ngày lễ lớn nhằm quảng bá, tuyên truyền hình ảnh sản phẩm OCOP của địa phương.

4
Các sản phẩm OCOP huyện Lạng Giang ngày càng có nhiều cơ hội đi ra thị trường mới nhờ các hội chợ thương mại và chương trình xúc tiến của địa phương.

Thực hiện kế hoạch Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2024, huyện tiến hành đánh giá mới 10 sản phẩm, đánh giá lại 11 sản phẩm, nâng hạng 4 sao một sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Lạng Giang sẽ nâng hạng các sản phẩm đã được công nhận OCOP như: Rượu Thuỷ Thượng, gạo nếp thơm; nấm đông trùng hạ thảo, giò lụa của HTX kinh doanh Thao Thanh và có thêm 10 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Đồng thời ưu tiên phát triển các HTX, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90% chủ thể OCOP là HTX; 10% là hộ gia đình cá thể.

Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các hoạt động nâng cao hiệu quả của Chương trình OCOP đồng thời mở rộng điều kiện cho các hộ dân, HTX tham gia OCOP. Phối hợp với các đơn vị tư vấn để tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân về chương trình OCOP.

Tập trung đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thành lập doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác. Rà soát, lựa chọn các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, xây dựng sản phẩm OCOP 4 sao (như giò lụa – HTX kinh doanh Thao Thanh, nấm Đông trùng hạ thảo – Công ty TNHH nấm dược liệu ADENCO).

Hỗ trợ, tư vấn các chủ thể lập hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng nâng hạng sản phẩm OCOP; đánh giá, kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất, bảo hộ nhãn hiệu, Chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018 cho các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, tích cực tham gia hội chợ, hội nghị, các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao quảng bá giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, tìm kiếm nhà phân phối mở rộng thị trường. Xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại các địa phương; quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn theo Chương trình OCOP, sử dụng logo, biểu trưng theo quy định.

Hỗ trợ các HTX, các cá nhân được hưởng cơ chế, chính sách theo quy định về tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống nấm, nhà màng nhà lưới, qua đó mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm lao động địa phương mang lại thu nhập ổn định cho HTX, hộ gia đình.