Khởi nghiệp thành công từ vị đắng khổ qua rừng

Những ngày cận kề tết Mậu Tuất 2018, cơ sở chế biến khổ qua rừng Hiệp Vân (ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân, TX.Long Khánh, Đồng Nai) hết sức tất bật, khẩn trương đáp ứng nhu cầu các khách hàng lỡ mê món đặc sản có vị đắng này.

Khởi nghiệp tình cờ

Đón tiếp chúng tôi bằng những ly nước trà khổ qua rừng, chủ cơ sở Lê Thanh Hiệp hào hứng chia sẻ: “Đây là một trong những sản phẩm tiêu biểu do cơ sở chúng tôi chế biến và bán trên thị trường. Có nhiều người rất thích uống trà khổ qua rừng vì nó mang hương vị đặc trưng và cũng rất tốt cho sức khỏe”.

19-03-17_dsc_0249

Anh Hiệp giới thiệu về các sản phẩm chế biến từ khổ qua rừng

Nhấp ly trà thơm nóng, chúng tôi cảm nhận được mùi hương đặc trưng của khổ qua rừng, ban đầu có cảm giác đắng nhẹ nhưng sau đó đọng lại vị ngọt thanh rất dễ chịu.

Trước đây, gia đình anh Hiệp có 3 sào đất vườn nhưng đã lâu ngày bỏ hoang. Tình cờ một hôm anh phát hiện dây khổ qua rừng tự mọc bò lan kín mặt vườn nhà mình, anh cắt về làm dưa món để gia đình ăn và tặng bạn bè thưởng thức. Không ngờ được mọi người khen ăn ngon và khuyến khích làm tiếp. Nghe vậy, anh lên mạng tìm hiểu thêm về loài khổ qua rừng và muốn nhân rộng để làm nguồn rau tươi ăn hàng ngày.

Theo anh Hiệp, khổ qua rừng có sức sinh trưởng rất mạnh, chỉ cần được tưới nước là rau sinh sôi, tươi tốt, tuy là rau trồng nhưng chất lượng không thua gì rau mọc ngoài tự nhiên.

Khi thấy nguồn khổ qua rừng dồi dào, vợ chồng anh Hiệp bắt đầu có ý tưởng kinh doanh dòng sản phẩm chế biến từ cây rau rừng này. “Mẹ tôi làm món dưa muối rất ngon nên đã chỉ cho tôi làm thử món khổ qua rừng ngâm đường, giấm. Dần dần tôi tự tìm công thức chế biến thêm nhiều món khác như xá xíu khổ qua rừng, khổ qua rừng nhồi thịt, khổ qua rừng muối chua, trà trái khổ qua rừng…”.

Theo anh Hiệp, khi làm thử món nào xong đều đem biếu người quen cùng thưởng thức thấy ai cũng khen ngon, càng khiến anh có thêm niềm tin để theo đuổi ý tưởng kinh doanh. Công đoạn chế biến khổ qua rừng hết sức kỳ công vì mỗi sản phẩm đều có công thức riêng. Chẳng hạn, để làm ra sản phẩm khổ qua rừng xá xíu, anh dùng trái khổ qua bỏ ruột, cắt thành những lát mỏng, đem phơi hoặc sấy khô và ướp hành, tỏi, sả, ớt, đậu nành, gia vị cay… đưa vào lò sấy với mức độ vừa phải thì ngưng, chờ sản phẩm nguội rồi cho vào hộp. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm dần, cuối cùng anh đã cho “ra lò” được những sản phẩm ưng ý nhất.

19-03-17_dsc_0263

19-03-17_dsc_0243

19-03-17_dsc_0254

Công đoạn chế biến khổ qua rừng hết sức kỳ công

Từ đó anh quyết định đầu tư thiết bị máy móc và thành lập cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến từ nguyên liệu khổ qua rừng để phân phối ra thị trường.

Anh Hiệp cho biết, đối với khổ qua từ thân cây, trái, lá tất cả đều được chế biến mà không phải bỏ bộ phận nào. Thậm chí tận dụng những phụ phẩm để tạo ra sản phẩm bột khổ qua rừng nguyên chất giúp chị em làm đẹp.  

Xây dựng thương hiệu

Theo anh Hiệp, thổ nhưỡng vùng đất Long Khánh rất thuận lợi cho cây khổ qua rừng phát triển. Hơn nữa, cây này có sức vươn mạnh, chỉ cần bón ít phân hữu cơ và tưới nước là cây mau lớn cho nhiều trái. Từ cây khổ qua rừng tự mọc trong vườn, hằng ngày tranh thủ sau giờ làm việc cơ quan và những ngày cuối tuần anh về tập trung chăm sóc, thiết kế dàn cho cây leo.

Vào dịp tết năm nay, gia đình anh Hiệp tất bật với nhiều đơn hàng đặt mua các món khổ qua rừng để ăn tết, biếu người thân và gửi sang nước ngoài làm quà tặng.

“Tâm nguyện của tôi là muốn quảng bá đặc sản khổ qua rừng của vùng đất Long Khánh và hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản vật địa phương. Hơn nữa, tôi hy vọng người tiêu dùng sẽ hướng đến sản phẩm có lợi cho sức khỏe, vì khổ qua rừng là loại thực phẩm có nhiều dược tính tốt”, anh Hiệp chia sẻ.

Trái khổ qua rừng chỉ nhỏ bằng hai ngón tay nên để lấy ruột ra, nhồi thịt vào, cần đến những bàn tay khéo léo tỉ mỉ từng chút một. Chưa kể, còn phải có chút bí quyết trong lúc hầm canh, để trái khổ qua không quá đắng, mặc dù vị đắng là “đặc sản” của món ăn này.

19-03-17_14225336_252966195102618_6153401608428311060_n

kho-qu191723429

Các sản phẩm khổ qua rừng được chế biến thành món đặc sản

Sản phẩm ngon, đạt chất lượng tốt, bán với giá mềm hơn so với các sản phẩm trên thị trường vì có sẵn nguyên liệu tại địa phương. Cụ thể, trà khổ qua rừng khô xắt lát với giá 300.000 đồng/kg, trong khi thị trường bán từ 350.000 đồng/kg trở lên; trà khổ qua túi lọc 60.000 đồng/hộp có 25 túi; trà đọt khổ qua rừng 70.000/kg…

Để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho sản xuất và chế biến, anh đã đặt vấn đề liên kết với các hộ dân ở địa phương trồng khổ qua rừng với diện tích khoảng gần 20 ha. Đến nay nhiều hộ dân nghèo nhận trồng cây khổ qua đã… qua khổ và đang cung cấp cho cơ sở Hiệp Vân với nguồn thu nhập ổn định.

Theo Nongnghiep.vn