Doveco Gia Lai gắn mã QR code lên cây giống chanh dây

Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, việc một số đơn vị dùng mã vạch, mã QR code truy xuất nguồn gốc giống cây trồng đã góp phần giúp nông dân phân biệt được hàng thật, hàng giả, tránh tổn hại về mặt kinh tế.

Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai vừa lập đoàn thanh tra đi các địa phương, công ty chuyên cung cấp giống cây trồng như: chanh dây, hồ tiêu, cà phê… để kiểm tra, rà soát chất lượng giống.

Hiện nay, nhiều huyện như Mang Yang, Đăk Đoa, Chư Sê, Chư Pưh… người nông dân đang chuyển đổi vườn cà phê già cỗi, kém chất lượng sang trồng chanh dây để mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, thị trường giống chanh dây cũng đa dạng, thương lái tới tận thôn làng giới thiệu nhiều loại giống không rõ nguồn gốc với giá cả khác nhau.

Người nông dân ham giá rẻ mua phải giống chanh dây kém chất lượng khiến vườn cây dễ chết, năng suất thấp, không đạt tiêu chuẩn. Theo ông Đoàn Ngọc Có, hiện nay chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, nông dân dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, chất lượng, loại giống, đặc tính của từng cây con.

Việc cung cấp mã vạch, mã QR code truy xuất nguồn gốc của một số đơn vị giúp nông dân yên tâm hơn trong việc chọn mua giống, trước thị trường giống thật giả lẫn lộn như hiện nay.

z4401226952332_55acabc65755f729924d2c33a32f2a07
Truy xuất nguồn gốc giống nhằm ngăn chặn các “gian thương” buôn bán giống kém chất lượng, gây thiệt hại cho nông dân. Ảnh: Minh Vỹ. 
z4401226911970_632078981e87dc3083cc92b8204d182e
Vườn cây giống chanh dây của Doveco Gia Lai. Ảnh: T.T.

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai (Doveco Gia Lai) tại huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ngoài việc bao tiêu sản phẩm, thu mua chanh dây cho các hộ nông dân, hợp tác xã, đơn vị này còn có các vườn ươm, cung cấp mỗi năm khoảng 1 triệu cây giống cho thị trường.

Sau khi nhân giống, cấy ghép, công nhân Công ty này dán các tem chống hàng giả, mã QR code truy xuất nguồn gốc lên từng cây con.

Cùng với việc cam kết đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc cây giống, giá cả ưu đãi cho người trồng chanh dây, Doveco Gia Lai còn bao tiêu thu mua sản phẩm của người dân khi mua giống của Công ty.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 4.500 ha trồng chanh dây. Quy hoạch đến năm 2025 diện tích tăng lên khoảng 25.000 ha. Người nông dân trồng chanh dây có thể đạt thu nhập 300-400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 lần trồng cà phê.

z4401226926388_380949c5024b08f8ceecb71d4ddcc01c
Công nhân Doveco Gia Lai chuẩn bị xuất cây giống cho người trồng. Ảnh: Minh Vỹ.

Trung tâm chế biến rau quả của Doveco Gia Lai nằm ở huyện Mang Yang trên diện tích gần 6 ha, quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam. Dự án gồm tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại do Italia, Đức, Nhật Bản sản xuất.

Hiện nay, Doveco Gia Lai có thể chế biến 300 tấn nguyên liệu chanh dây/ngày, 500 tấn dứa/ngày và 200 tấn xoài/ngày. Ngoài ra, còn có thể chế biến hàng trăm tấn chuối, bơ, thanh long, bắp ngọt, đậu bắp, khoai lang…

Sản phẩm của Công ty đã có mặt tại hơn 60 quốc gia, chinh phục các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil, Israel. Đặc biệt, các sản phẩm rau quả xuất khẩu của Doveco Gia Lai đang dần khẳng định thương hiệu tại thị trường châu Âu và chiếm hơn 33% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty. Trong đó, tập trung vào thị trường các nước như: Hà Lan, Đức, Italia, Pháp, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha.