Dòng tiền xanh từ lúa gạo

Quá trình chuyển đổi xanh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ không có một công thức chung mà phụ thuộc vào quy mô, quan điểm và tầm nhìn từng doanh nghiệp.

B2 dòng tiền anh lua_tin 2 (nhỏ)
Trồng lúa nông dân có thêm thu nhập từ bán tín chỉ carbon

Tháng tư là thời điểm nông dân ở ĐBSCL thu hoạch vụ lúa ngắn ngày, giảm bớt căng thẳng về nguồn cung gạo trên thị trường toàn cầu trong bối cảnh tác động El Nino lên các khu vực trồng lúa chính có thể kéo dài đến giữa năm nay.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” của Mard, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ huy động khoảng 40 triệu USD từ Quỹ Tài chính khí hậu và chi trả CO2 vào các năm 2025 – 2026 khoảng 60 triệu USD, tổng hỗ trợ không hoàn lại khoảng 100 triệu USD.

 

Gieo mạ bằng máy cho năng xuất cao
Gieo mạ bằng máy cho năng xuất cao

Diện tích đất lúa giảm dần

Ngành sản xuất lúa gạo khu vực ĐBSCL đang trong kế hoạch vươn lên chuỗi giá trị cao hơn. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho rằng, nếu đề án thành công, với 6-7 triệu tấn gạo chất lượng cao xuất khẩu, có thể thu về 10 tỷ USD, thay vì hơn 3 tỷ USD như hiện nay. Điều kiện để đề án này thành công, theo ông Bình, cần 20 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp canh tác trên diện tích 50 ha.

Thế nhưng, ông Bình nói tăng sản lượng lúa không dễ do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi mở rộng diện tích canh tác. Hiện nay, Trung An đã có hơn 10.000 ha diện tích đất lúa chất lượng cao ở khu vực miền Tây, sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm, xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu. Tuy nhiên, diện tích trồng lúa của Trung An còn hạn chế, việc mở rộng diện tích canh tác gặp “khó khăn về vốn”, ông Bình cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐBSCL, khu vực chiếm 50% lượng lúa cả nước và chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu, nhưng diện tích đất lúa đang giảm dần do tác động từ biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Năm 2023, ĐBSCL chỉ duy trì diện tích khoảng 3,9 triệu ha, sản lượng 24 triệu tấn, thay vì 4,3 triệu ha vào năm 2015.

WB sẽ huy động khoảng 40 triệu USD từ Quỹ Tài chính khí hậu và chi trả CO2 vào các năm 2025 - 2026 khoảng 60 triệu USD, tổng hỗ trợ không hoàn lại khoảng 100 triệu USD
WB sẽ huy động khoảng 40 triệu USD từ Quỹ Tài chính khí hậu và chi trả CO2 vào các năm 2025 – 2026 khoảng 60 triệu USD, tổng hỗ trợ không hoàn lại khoảng 100 triệu USD

Tín chỉ carbon tạo động lực mới

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: Hiện nay, dự án về xác lập tín chỉ carbon của Lộc Trời đã được đệ trình lên hệ thống đánh giá và thẩm định của The Gold Standard. Sau khi được thông qua, sẽ đến bước kiểm tra hồ sơ và đánh giá thực địa. Mục tiêu chính của tập đoàn là xác lập tín chỉ carbon cho mảng xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu và Mỹ.

Tầm quan trọng của chuyển đổi xanh được xác định trong các kế hoạch kinh doanh của Lộc Trời, cho thấy nhận thức và tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp này. Theo ông Thuận, một dự án không thể phát hành chứng chỉ carbon và nhận thanh toán trừ khi chứng minh kết quả đo được và có thể xác minh bởi một bên thứ ba trong việc giảm hoặc bớt khí thải. Các quy định mới của EU cũng nêu rõ phương pháp và phạm vi của các dự án hành động vì khí hậu, mới nhất là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), có hiệu lực từ ngày 1/10/2023.

Tại châu Âu, các quy định về thuế carbon sẽ có hiệu lực vào năm 2025. Tổng Giám đốc Lộc Trời tin rằng hồ sơ sản xuất xanh là “một lợi thế lớn” trong cạnh tranh xuất khẩu gạo. Do đó, một cơ chế mua bán và chia sẻ lợi nhuận đã được Lộc Trời định sẵn, số tiền bán 100 tín chỉ carbon bán đi, sẽ dành 30% đóng thuế cho nhà nước, 70% còn lại chuyển lại cho nông dân.

Tình hình sẽ thay đổi khi “nông dân có thêm thu nhập từ bán chứng chỉ carbon”, điều này sẽ trở thành “động lực mới” cho doanh nghiệp khi sản phẩm lúa gạo đạt các tiêu chuẩn xanh của các tổ chức quốc tế, theo ông Thuận. Nhưng để điều này diễn ra, ông nói thêm: “Doanh nghiệp đang rất cần một tổ chức xác định mức phát thải cho từng ngành, cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn phát thải được Việt Nam và quốc tế công nhận”.

Việc phát triển ngành hàng lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải là xu hướng tất yếu, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Điều này, được nói đến rất nhiều, nhưng chưa tạo ra động lực để doanh nghiệp chuyển đổi. “Phạt và thưởng, hai cách tạo ra động lực cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, nhưng phải được thực hiện đồng thời mới mang lại hiệu quả. Nếu chỉ phạt doanh nghiệp phát thải lớn, họ sẽ trốn, trong khi việc thưởng cho các doanh nghiệp phát thải thấp cũng không có ý nghĩa khi họ có điều kiện tài chính”, ông Thuận nói.

ĐBSCL đang thúc đẩy lộ trình chuyển đổi xanh, nhưng doanh nghiệp sẽ “không vì truyền thông tốt mà đầu tư”. Theo ông Thuận, chuyển đổi xanh phải tạo ra được lợi nhuận, động lực để doanh nghiệp đầu tư. Do đó, doanh nghiệp cần ưu đãi hấp dẫn và dự báo được kết quả bởi mục tiêu của doanh nghiệp là sinh lợi. Những động thái này, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn, đóng góp vào tiến trình chuyển đổi xanh của Vùng.