Bắc Giang phát triển OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu

Năm 2024, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

789
Huyện Tân Yên có sản phẩm Sâm nam Núi Dành rất nổi tiếng.

Theo kế hoạch đã đề ra, để phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh Bắc Gang sẽ đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.

Bên cạnh đó phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường…

Về mã số vùng trồng, theo số liệu thống kê đến giữa năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành rà soát, thẩm định, kiểm tra đánh giá thực tế và cấp mới 64 mã số vùng trồng. Thông qua đó tiếp tục định hướng cho các hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp chủ động tham gia đánh giá chương trình OCOP, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Tại Bắc Giang, vải thiều được cấp mới mã vùng trồng nhiều nhất với tổng số 43 mã vùng trồng (diện tích hơn 1.000 ha) đạt 204,7% kế hoạch; tập trung ở các huyện Tân Yên 21 mã (diện tích 739,29 ha); Yên Thế 03 mã (diện tích 40,37 ha); Lục Ngạn 18 mã (diện tích 240,35 ha); Sơn Động 01 mã (diện tích 36,1 ha). Đối với mã số vùng trồng bưởi, Bắc Giang đã rà soát, cấp mới 2 mã vùng trồng với diện tích 20 ha tại huyện Lục Ngạn đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Mã số vùng trồng nhãn, cấp mới 10 mã nhãn xuất khẩu với tổng diện tích là 110,3 ha, trong đó có 05 mã xuất khẩu sang Nhật Bản với diện tích 52 ha, 05 mã nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Australia với diện tích 58,3 ha…

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm, trong năm 2024, tỉnh Bắc Giang dự kiến phân bổ khoảng 20,9 tỷ đồng để triển khai chương trình. Mức hỗ trợ này bao gồm cả các sản phẩm mới, gia hạn, nâng sao thấp nhất là 20 triệu đồng, cao nhất 300 triệu đồng/sản phẩm.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền nên hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có nhiều địa phương phát huy được thế mạnh, tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. Đứng đầu là huyện Lục Ngạn, với 40 sản phẩm OCOP có những sản phẩm đặc trưng như: Giấm tỏi ớt Kim Ngân; giấm vải Kim Ngân; giấm táo mèo Kim Ngân; mỳ Chũ Green; mỳ gạo Lục Ngạn; bưởi da xanh Hồng Xuân; cam Vinh Hồng Xuân…

Hay như huyện Tân Yên, có sản phẩm Sâm nam Núi Dành rất nổi tiếng, với diện tích trồng 71,5 ha. Riêng năm 2022 diện tích trồng mới là 47,5 ha, sản phẩm thu được từ củ sâm khoảng 3,7 tấn, giá bán từ 1,5-2 triệu/kg; hoa sâm 5,5 tấn, giá bán từ 0,8-1 triệu đồng/kg khô; hiệu quả kinh tế đạt khoảng 6,05 tỷ đồng/ha/chu kỳ sản xuất. Huyện Tân Yên có sản phẩm Sâm nam Núi Dành khô của HTX Sản xuất & Tiêu thụ Sâm nam Núi Dành và Nụ hoa Sâm nam Núi Dành của HTX sản xuất & tiêu thụ Sâm nam Núi Dành Liên Chung, đạt OCOP 4 sao.

Với những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, UBND tỉnh Bắc Giang giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn.

Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, triển khai chương trình OCOP ở địa phương, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chương trình ở các huyện, thành phố. Thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP trên Website Chương trình OCOP của tỉnh; tổ chức cho các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh.

Các sở, ngành, đơn vị, địa phương bám sát quan điểm, mục tiêu của chương trình OCOP, đề án OCOP và thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện. Chủ động, quyết tâm và phối hợp thường xuyên, thống nhất giữa các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện. Triển khai chương trình có hiệu quả, nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.