Phú Yên: Người chăn nuôi tái đàn sau Tết

Sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lượng lớn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được tiêu thụ. Hiện nay, người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, ổn định sản xuất.

Tái đàn nuôi

Sau Tết, giá heo hơi vẫn đứng ở mức cao nên người nuôi heo phấn khởi, tập trung tái, tăng đàn. Ông Trần Văn Thành ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cho biết: Trước Tết, nhà tôi xuất chuồng được 10 con heo thịt, tổng trọng lượng hơn 900kg, lãi khoảng 20 triệu đồng.

Sau khi phơi chuồng được nửa tháng, hiện tôi đã thả lại lứa mới, 15 con. Heo hơi đang có giá từ 75.000-78.0000 đồng/kg, mặc dù không bằng so với đợt Tết, nhưng với mức giá này thì người nuôi heo vẫn có lãi khá.

Còn theo bà Lê Thị Lài ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), do nhiều người có nhu cầu tái đàn nên con giống đang hút hàng. Gia đình bà vì không đặt trước nên phải qua rằm tháng Giêng mới được cấp giống. Trong khi đó, nhờ gia đình có nuôi heo nái sinh sản nên bà Nguyễn Thị Tâm cũng ở địa phương này chủ động hơn trong việc tái đàn.

Bà Tâm cho hay: Gia đình tôi có nuôi 1 con heo nái, bình quân mỗi năm đẻ được 2 lứa với khoảng 20-22 con, toàn bộ con giống này tôi để lại nuôi heo thịt. Vì vậy lúc nào trong chuồng cũng có heo gối vụ, không phải lo đến con giống. Mặc dù nuôi heo nái khá vất vả, tốn nhiều công chăm sóc nhưng chi phí sản xuất giảm đáng kể, lại chủ động được đầu vào, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Từ sau Tết đến nay, người chăn nuôi bò cũng tập trung tái đàn. Ông Nguyễn Văn Phụng ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), cho biết: Trong đợt Tết, tôi bán 3 con bò thịt được gần 150 triệu đồng. Vừa rồi mới mua lại 2 con bê 6 tháng tuổi, giống bê lai BBB nên giá khá cao, 21 triệu đồng/con. Gia đình cũng đang tìm mua thêm 2 bê cái nữa để nuôi làm giống.

Theo ông Trần Văn Bốn, một thương lái chuyên mua bán bò ở xã An Phú, từ sau Tết đến nay, ông đã mua, bán được gần 100 bê con cho bà con địa phương và các xã lân cận. Nhiều người tăng đàn, kéo giá bê giống tăng theo. Hiện nay, mỗi con bê lai các giống đang “hot” như BBB, Charolais, Braman… giá từ 20-25 triệu đồng/con 6 tháng tuổi; các giống khác giá mềm hơn từ 15-18 triệu đồng/con. So với các năm, giá tăng từ 3-5 triệu đồng/con.

Người nuôi heo, bò mạnh dạn tái, tăng đàn nuôi thì lúc này người nuôi gà lại rất dè dặt vì dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Gian Phúc, chủ trại gà thịt tại xã An Chấn (huyện Tuy An) cho biết: Trong đợt Tết vừa qua, nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng nên giá gà nhích lên được chút đỉnh. Còn sau Tết đến nay, người dân không còn sử dụng nhiều, trong khi lễ hội bị hủy bỏ, hàng quán, du lịch ế ẩm nên đầu ra hạn chế. Vì vậy lứa này gia đình tôi chỉ thả 300 con giống, chủ yếu bán cho các mối quen và bán lẻ tiêu dùng.

Người chăn nuôi tập trung tái đàn sau Tết. Ảnh: THỦY TIÊN

Chủ động phòng dịch

Để phòng ngừa dịch bệnh, bảo toàn đàn vật nuôi, trong đợt tái đàn lần này, người chăn nuôi chủ động thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ. Bà Nguyễn Thị Hồng ở phường 9 (TP Tuy Hòa), cho hay: Mấy ngày nay, gia đình tôi thực hiện vệ sinh chuồng trại, xử lý rắc vôi bột toàn bộ khu vực chăn nuôi lần cuối để chuẩn bị thả giống. Lứa này, tôi thả nuôi 20 con. Để kiểm soát dịch bệnh ngay từ khâu đầu vào, toàn bộ giống nuôi tôi mua tại Trại cung cấp heo giống ở TX Sông Cầu, heo giống được chủng ngừa đầy đủ các loại vắc xin như tai xanh, tả, tụ huyết trùng…

Bên cạnh chất lượng con giống, các hộ chăn nuôi cũng rất chú trọng đến việc vệ sinh môi trường. Theo ông Nguyễn Văn Hà ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), định kỳ mỗi tuần 2 lần ông đều chủ động phun thuốc tiêu độc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi heo và khu vực xung quanh. Đồng thời, ông cũng thực hiện quét dội chuồng hàng ngày, chất thải được thu gom vào hố ga để xử lý, không thải ra môi trường. Trước khu chuồng nuôi còn bố trí bãi vôi để sát khuẩn giày dép mỗi khi ra vào trại giúp hạn chế mang mầm bệnh từ bên ngoài vào khu nuôi.

Trong khi đó, các hộ nuôi bò lại chú trọng đến công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc. Bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho biết: Năm trước, vì bò nhà tôi không tiêm phòng tụ huyết trùng, khi bò bị bệnh lở mồm long móng sau đó kế phát tụ huyết trùng khiến 2 con bò bị chết. Rút kinh nghiệm, hiện nay, toàn bộ đàn bò gia đình tôi đều được tiêm đầy đủ vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng theo định kỳ để phòng ngừa dịch bệnh, giảm rủi ro.

Trong điều kiện người dân tập trung tái đàn chăn nuôi như hiện nay thì nguy cơ phát sinh dịch bệnh khá cao. Để phòng ngừa, bà con nên tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng kiểm soát nguồn gốc con giống, tiêm phòng vắc xin và vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của ngành Thú y. Ông Nguyễn Văn Lâm – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết.