Ninh Thuận: Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt

Nhằm cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò địa phương, tạo ra những con lai có tầm vóc, thể trạng tốt phục vụ cho chăn nuôi sinh sản đạt hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận triển khai Dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số” . Đến nay qua gần 2 năm thực hiện, mô hình đã đạt những kết quả tốt.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số” gồm 3 mô hình. Đó là mô hình nuôi bò thuần hướng thịt (bò cái Brahman), quy mô 30 con bò cái giống. Mô hình đã phối được 15 con bò cái có chửa và sinh ra 2 con bê.

Mô hình nuôi bò lai hướng thịt (bò cái lai Zebu), quy mô 1.160 liều tinh, 6 bò đực; đã phối giống trực tiếp được 77 con bò cái có chửa; thụ tinh nhân tạo (TTNT) có chửa 216 con; tỷ lệ phối có chửa lần 1 đạt 73,5%, số bê sinh ra: 37 con.

Mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cỏ (VA06, sả lá lớn) làm thức ăn cho bò, quy mô 6 ha. Cỏ sinh trưởng, phát triển tốt, đã cắt lứa 3 và mang ủ được 11,5 tấn thức ăn.

Dự án đã tác động tích cực đối với phát triển sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi, giúp người chăn nuôi thay đổi cách nghĩ trong sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Hộ ông Nguyễn Trí Nhân, thôn Nam Cương, xã An Hải (huyện Ninh Phước) cho biết, gia đình tham gia dự án đã được hơn 2 năm.

Trước đây, ông thường phối tinh bò giống địa phương, bê con từ lúc sinh ra đến lúc xuất chuồng bán 13 tháng nhưng chỉ thu về khoảng 12 triệu đồng. Năm 2019, bò cái của gia đình ông được dự án hỗ trợ TTNT giống bò Brahman thì hiệu quả chăn nuôi đã cao hơn hẳn. Bê sơ sinh đã đạt trọng lượng 28 kg, bê 2 tháng tuổi nhưng đã có người tới trả mua với giá 14 triệu đồng/con. Tuy giá mua cao nhưng ông quyết định giữ lại nuôi thêm để nhân giống.

Hộ ông Nguyễn Trí Nhân tham gia mô hình nuôi bò thuần hướng thịt được 2 năm

Còn hộ ông Trần Ngọc Tuân, thôn An Thạnh, xã An Hải cũng chia sẻ, tham gia mô hình gia đình ông nhận được nhiều sự hỗ trợ từ dự án từ giống bò thuần Brahman, công tác giống (TTNT), giống cỏ VA06 cho đến các vật tư phục vụ cho việc ủ chua thức ăn cho bò.

Đặc biệt qua các lớp tập huấn, ông biết được nhiều kinh nghiệm hay, các kỹ thuật mới, cũng như cách chế biến thức ăn cho gia súc và cách chăm sóc để có đàn gia súc khỏe mạnh, mau lớn. Gia đình ông hiện có trên 20 con bò gồm bò sinh sản và vỗ béo, nhưng với 6 con bò vỗ béo bằng ăn thức ăn tinh, bã men bia, cỏ rơm rạ lên men, sau 6 tháng nuôi ông có thể thu về lãi ròng 54 triệu, chưa kể đến số bò sinh sản.

Ông Đỗ Ngọc Sơn, cán bộ phụ trách dự án cho biết, đến năm 2021 dự án mới kết thúc nhưng đã cho thấy được những hiệu quả rõ rệt. Thụ tinh nhân tạo bằng giống bò ngoại (Brahman, Red Angus), bê con sinh ra có ngoại hình đẹp, trọng lượng lớn, bán được giá cao.

Còn giống cỏ VA06 với những ưu điểm vượt trội như năng suất cao, cỏ mềm, ít lông và chịu được hạn nên được người dân chia sẻ hom giống để nhân lên đáng kể. Cùng với đó người dân đã biết cách ủ chua thức ăn để bổ sung dinh dưỡng, giúp bò lớn nhanh, khỏe mạnh.

Cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt bằng phương pháp TTNT để đẩy nhanh tỷ lệ đàn bò lai hướng thịt có năng suất, chất lượng cao, tạo tiền đề chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa và hướng tới phục vụ xuất khẩu là mục tiêu định hướng phát triển ngành chăn nuôi bò, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh./.