Kỹ thuật phục hồi ‘sức khỏe’ cho vườn cà phê sau thu hoạch

Cây cà phê sau một năm mang trái bị mất sức sinh trưởng rất nhiều, đặc biệt trong giai đoạn cây cà phê cho thu hoạch cũng là giai đoạn phân hóa mầm hoa.

Ở Tây Nguyên, mùa khô thường kéo dài từ tháng 11- tháng 4 hàng năm. Bước vào đầu mùa khô sẽ có những đợt gió lạnh, nhiệt độ hạ xuống thấp hơn nhưng vào giữa và cuối mùa khô, xuất hiện nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao. Đây lại là giai đoạn cây cà phê bắt đầu phân hóa mầm hoa, nở hoa và quả non phát triển, giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất quan trọng đến năng suất và chất lượng của cà phê.

Vì vậy để giúp bà con có các biện pháp, kỹ thuật chăm sóc cây cà phê đạt hiệu quả cao nhất, cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao, chất lượng đảm bảo và đặc biệt tăng thu nhập kinh tế cho người dân. Sau đây là một số kỹ thuật cơ bản chăm sóc cây cà phê sau thu hoạnh.

Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê

* Tỉa cành: Việc tỉa cành tiến hành trong cả năm nhưng đợt tỉa cành cơ bản nhất là sau khi thu hoạch. Tỉa cành tạo cho cây có bộ tán cân đối, cành quả phân bố đều, tạo điều kiện tốt cho việc chăm sóc, thu hái và hạn chế sự phá hoại của sâu bệnh. Cần tỉa bớt cành khô, cành sâu bệnh, cành già, còi cọc, cắt bỏ tất cả những cành ở xa thân chính từ 15 – 20 cm hay cành thứ cấp quá dày vượt trên tán… Dùng cưa hoặc kéo sắc để tỉa cành, tránh làm sứt cành.

Bón phân để cung cấp kịp thời chất dinh dưỡng cho cây cà phê sau thu hoạch

* Bón phân: Thu hoạch trái cà phê là làm mất đi phần lớn dinh dưỡng của cây, làm cây suy kiệt. Vì vậy, cần phải cung cấp dinh dưỡng kịp thời để cây phục hồi tốt, chuẩn bị cho lần ra hoa vụ sau. Có thể bón các loại phân như: SA, Kali kết hợp với phân hữu cơ vi sinh, liều lượng 10 kg SA, 50kg Kali và phân hữu cơ vi sinh Trichomix/ha…

Thời điểm sau thu hoạch là mùa khô nên cần tưới nước ngay sau khi bón phân để cây trồng hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh bón gốc, có thể phun thêm các loại phân bón lá cho cây cà phê.

Hướng dẫn bà con cách tỉa cành, tạo tán cho cây cà phê sau thu hoạch
Để tiết kiệm chi phí, bà con nên vun lá khô, tàn dư thực vật vào gốc cây rồi rải men hữu cơ vi sinh lên trên giúp phân hủy thành chất dinh dưỡng có ích cho cây cà phê.

* Phòng trừ sâu bệnh: Cần chú ý phòng trừ rệp sáp, rệp vẩy, bệnh nấm thân gây thối thân, chết cây, mọt đục cành, sâu đục thân… Nếu cà phê bị rệp vẩy, có thể dùng thuốc Checsusa 650 EC để phun hoặc kết hợp với Bassa 50 EC.

Đối với bệnh nấm thân  cây, cần kịp thời đục hết phần cây bị khô, sau đó dùng thuốc Landcruiser 800wp pha nồng độ đậm đặc quét vào vùng cây bị bệnh…