Tưới nước và bón phân cho cây sầu riêng

Nước là yếu tố quan trọng trong ngành nông nghiệp vì nó liên quan đến việc phát triển của thực vật. Nước là trung tâm trong việc chuyển thức ăn từ đất đến rễ cây. Nếu thiếu nước, thức ăn trong đất hoặc phân bón sẽ không có tác dụng đối với cây nữa.

cv

1. Tưới nước cho sầu riêng

– Sầu riêng là loài thực vật ưa khí hậu nóng và độ ẩm trong không khí cao. Vì vậy việc tưới nước cho sầu riêng là điều cần thiết. Sầu riêng thiếu nước lâu vào mùa khô sẽ biểu hiện thấy rõ như: lá héo vào ban ngày, lá không tươi không bóng như bình thường, viền lá có màu vàng và cháy từ ngọn vào… Biểu hiện đó làm cho cây ngưng phát triển, cuối cùng lá sẽ rụng rồi thay lá mới. Nếu không nhanh chóng tưới nước, cành sầu riêng sẽ chết hoặc có thể chết cả cây.

 – Sầu riêng cây nhỏ khi mới trồng nên tưới hàng ngày ít nhất 1 tháng. Sau thời gian đó có thể tưới thưa hơn nếu trời không có mưa. Nhưng có thể tưới ngày nghỉ ngày hoặc hai ngày tưới một lần tùy thuộc vào độ ẩm đất xung quanh gốc cây. Khi tưới nên để ý xem nước có ngấm nhanh hay không, nếu ngấm nhanh thì tưới nhiều hơn để đảm bảo độ ẩm đất và không bay hơi nhanh. Dùng rơm hoặc cỏ khô phủ xung quanh gốc để giữ ẩm cho cây trong mùa khô, vào mùa mưa thì cào ra hết để hạn chế nấm bệnh và mối tấn công rễ cây.

– Thời kỳ sầu riêng đang ra hoa, đã ra hoa hoặc đang kết trái, nếu thiếu nước  hoa, trái sẽ rụng. Nhưng khi trái sầu riêng to bằng trái bưởi, trái sẽ không rụng nữa mà lá sẽ rụng nhiều và thưa đi, lúc này sầu riêng sẽ chống chọi với khô hạn và phải nuôi trái nên nó phải kéo nguồn thức ăn dự trữ ở lá để nuôi trái và cây. Từ đó làm cho cây suy yếu dần và thức ăn dinh dưỡng để tạo cùi (cơm) cho trái cũng thiếu, vì thế chất lượng của cùi mới không tốt. Nếu giai đoạn này mưa nhiều, rễ sầu riêng hút lên thân cây nhiều nước nhưng lá thì nhả ra ít nước vì lá cây còn lại ít, làm cho cây sầu riêng thiếu cân bằng nước và từ đó cùi sầu riêng bị nhão.

– Việc tưới nước cho sầu riêng khi ra hoa nên tưới ngày nghỉ ngày và ngừng tưới khi hoa sầu riêng nở được 3-4 ngày. Khi trái non mới hình thành thì tưới lượng nước vừa phải, nếu tưới nhiều trái non sẽ rụng. Khi trái to bằng trái bưởi mới tưới nhiều nước.

– Nếu sầu riêng thiếu nước khi đang ra hoa hoặc bắt đầu kết trái thì cây sầu riêng sẽ thay lá và đâm ngọn mới. Cụ thể là thức ăn dự trữ của thân cây ít và phải nuôi lá non nên làm cho sầu riêng ít đậu trái, có khi trái trên cây rụng hết.

– Nếu sầu riêng thiếu nước khi trái đã to và thay lá non trong thời kỳ đang bắt đầu già cùi thì cùi cũng bị nhão. Cùi sầu riêng nhão không chỉ mưa nhiều mà đất quá khô không tưới nước cùi vẫn bị nhão.

– Nếu sầu riêng kéo thức ăn dự trữ từ thân cây và lá quá nhiều làm cây gầy yếu và có nguy cơ bị chết. Do đó, dân vườn thường ngắt bỏ trái trong năm đầu mới bói chỉ để lại mỗi cây vài trái. Nếu cây không khỏe mạnh thì việc để trái nhiều có thể làm cho cây chết ngay trong những năm đầu.    

2. Bón phân cho cây sầu riêng

Việc bón phân phải nghĩ tới sự đòi hỏi thức ăn của cây sầu riêng ở từng giai đoạn, như thời kỳ phát triển cành lá đòi hỏi phải nhiều nitrogen. Trước khi ra hoa là thời kỳ phải làm cho sầu riêng ngưng phát triển cành lá để chuẩn bị ra hoa, phân bón phải bớt nitrogen xuống mà tăng phosphate và potassium lên. Do vậy, việc bón phân sai thời gian có thể gây nên thiệt hại và tốn kém một cách vô ích.

– Khi mới trồng sầu riêng phải bón lót bằng phân hữu cơ, mỗi gốc bón 10-15 kg phân chuồng hoai mục, trong năm đầu chưa cần thiết bón phân hóa học.

– Bón phân cho sầu riêng sau 2 năm trồng: Thời kỳ cây sầu riêng chưa ra trái là giai đoạn rất quan trọng, sự thành công trong giai đoạn này có tính chất quyết định. Vì vậy cần thiết phải chăm sóc bồi dưỡng cho cây phát triển, mặc dầu cây còn nhỏ chưa cần nhiều phân. Ngoài phân chuồng nên bón thêm phân hóa học 15-15-15. Phân chuồng có thể bón mỗi cây 5 kg, phân hóa học chỉ cần bón ít, mỗi cây bón 300-500 g, chia ra bón từ 2-3 lần/năm. Việc bón phân có thể đào rãnh hình tròn sâu 7-10cm theo hình chiếu của mép tán cây, rắc phân vào rãnh và lấp đất lại.

 – Bón phân cho cây sầu riêng chuẩn bị ra hoa: Giai đoạn trước khi ra hoa nên bón phân chất nitrogen ít đi mà tăng thêm chất phosphate và potassium như loại 9-24-24 hoặc 10-52-17 để giúp cho cây ra hoa tốt hơn hoặc giúp cho cây ra hoa nhanh hơn. Mỗi cây bón khoảng 3-4 kg chia làm 2-3 lần bón/năm.

– Bón phân cho cây sầu riêng giai đoạn kết trái: Thời kỳ sầu riêng kết trái là thời kỳ trái non giành giật thức ăn. Nếu thức ăn ở thân cây thiếu, trái non sẽ rụng nhiều vì vậy phải bón phân và tưới nước đầy đủ. Phân bón nên dùng loại phân có chất potassium cao như loại 13-13-21 hoặc 14-14-21 để tăng thêm chất lượng trái, bón mỗi cây 5-6 kg, chia làm 3 lần bón. Nếu muốn cho sầu riêng có trái to và có chất lượng thì phun thêm phân có chất potassium cao cùng với lưu huỳnh bột loại hòa tan trong nước nhưng không nên dùng quá liều lượng cần thiết vì có thể gây nguy hiểm cho cây.

Theo Wasi.org.vn