Quy trình làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn

Hỏi: Xin chuyên gia cho tôi biết quy trình làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn?

pig(Ảnh minh họa)

Trả lời:

Xin giới thiệu đến bạn quy trình làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn như sau:

Đệm lót nền chuồng sử dụng trong chăn nuôi lợn (hay còn gọi là đệm lót lên men) là hỗn hợp gồm: các nguyên liệu có độ xơ cao, ít bị mềm khi ẩm ướt và có hàm lượng chất dinh dưỡng nhất định; không độc, không gây kích thích đối với vật nuôi như: mùn cưa, trấu, lõi ngô nghiền cùng với chế phẩm sinh học BALASA -N01 (có khả năng phân giải chất thải của vật nuôi và ức chế hoặc tiêu diệt vi sinh vật có hại hoặc lên men gây thối rữa).

Để giúp bà con áp dụng kỹ thuật này trong chăn nuôi, chúng tôi giới thiệu quy trình kỹ thuật sản xuất, sử dụng loại đệm lót này để bà con có thể tham khảo. Nguyên liệu làm đệm lót tốt nhất là mùn cưa, vỏ bào, lớp kế tiếp là vỏ lạc, lõi ngô nghiền, trấu, thân cây ngô nghiền (có độ dày 3-5mm).

Lượng nguyên liệu cần cho 20m2 ô chuồng nuôi khoảng 12m3 mùn cưa, trấu, 15 kg bột ngô; 2 kg chế phẩm BALASA -N01. Bà con tiến hành chế dịch men: Cho 1 kg men gốc và 10 kg bột ngô vào thùng, thêm 200 lít nước sạch, khuấy đều, đậy kín. Để ở chỗ ấm, sau 24h là có thể dùng được (đối với mùa hè), còn mùa đông phải sau 48h.

Dịch men phải làm trước 1-2 ngày trước khi làm đệm lót. Trước khi bắt đầu làm đệm lót từ 5-7 giờ, lấy khoảng 2 lít dịch men đã làm trước đó cho vào 5 kg bột ngô còn lại, trộn đều sau đó để chỗ ấm.

Để làm đệm lót bà con cần tiến hành theo các bước như sau:

Bước 1: Trải lớp trấu dày 30cm, dùng vòi phun sương nước sạch lên lớp trấu, lấy cào đảo để cho trấu ẩm đều và san phẳng cho đến khi đạt độ ẩm 40%. Kiểm tra bằng cách bốc một nắm trấu trên tay, thấy trấu thấm đều nước, nhưng bóp chặt không làm ướt tay là được.

Bước 2: Tưới đều 100 lít dịch men, sau đó rải đều một phần bã ngô có tẩm dịch men lên trên mặt lớp trấu.

Bước 3: Tiếp tục rải lớp mùn cưa dầy 30cm lên trên lớp trấu.

Bước 4: Phun nước sạch đều lên trên mặt lớp mùn cưa, dùng cào đảo để mùn cưa ẩm đều đến khi đạt độ ẩm khoảng 20% (mùn cưa thấm nước trở nên sẫm mầu, lấy một nắm mùn cưa bóp mạnh có cảm giác nước hơi thấm ướt ra tay nhưng hạt mùn cưa vẫn rời).

Bước 5: Rải đều 5 kg bột ngô đã xử lý lên trên mặt lớp mùn cưa.

Bước 6: Tưới đều 100 lít dịch men còn lại lên lớp mùn cưa, tiếp tục rắc đều hết phần bã ngô còn lại lên mặt lớp mùn cưa.

Bước 7: San phẳng toàn bộ bề mặt lớp mùn cưa.

Bước 8: Đậy kín toàn bộ bề mặt đệm lót bằng bạt hoặc bằng nilon để quá trình lên men được thực hiện.Sau khi ủ vài ngày, tiến hành bới sâu lớp đệm lót 30 cm, thấy có mùi thơm rượu nhẹ đặc trưng là lên men tốt, có thể dùng được.

Tiến hành bỏ bạt phủ, đảo đều lớp bề mặt khoảng 20 cm cho tơi; một ngày sau mới thả lợn vào chuồng. Nếu sử dụng và bảo dưỡng tốt, lớp đệm lót có thể sử dụng được 5 năm.

Khi sử dụng đệm lót trong chăn nuôi lợn bà con lưu ý:

+ Mật độ thả lợn: Trước khi thả, có thể gom phân lợn từ đàn cần thả, bỏ rải rác trong chuồng, tạo cho lợn thói quen thải phân nhiều chỗ trên mặt nền chuồng, dễ dàng trong quá trình phân huỷ. Mật độ thả 1,2 m2 chuồng/con lợn to, lợn nhỏ 0,8-1m2/con. Mật độ này sẽ đảm bảo tiêu hủy hết phân lợn và kéo dài tuổi thọ của đệm lót.\

Tổng hợp