Nguyên nhân và cách khắc phục cây thanh long ra hoa nhiều nhưng không đậu quả

Hỏi: Nhà tôi trồng thanh long. Năm ngoái, hoa ra rất nhiều nhưng không đậu quả. Xin hỏi nguyên nhân tại sao và cách khắc phục tình trạng này như thế nào để năm nay tôi rút kinh nghiệm chăm sóc cho cây đậu quả?

hoa_thanh_longHoa thanh long

Trả lời:

Theo như anh nói thì cây nhà anh ra rất nhiều hoa nhưng không đậu quả, hiện tượng này có rất nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, có thể do cây ra hoa nhiều nhưng dinh dưỡng không cân đối và nước tưới không đảm bảo dẫn tới tình trạng rụng quả sinh lý.

+ Cây thanh long là cây chịu hạn rất tốt, nhưng để tạo kiện thuận lợi cho thời kỳ ra hoa, đậu quả thì cần phải cung cấp nước cho cây đầy đủ (nếu không đủ nước Tỉ lệ rụng hoa ở các đợt hoa đầu tiên cao >80%). Vào mùa nắng nên dùng rơm rạ, cỏ khô, xơ dừa, lục bình… để tủ gốc giữ ẩm cho cây. Ngoài việc giữ ẩm cho cây biện pháp này còn giúp hạn chế sự phát triển của cỏ dại. Tưới nước kết hợp với vun xới tạo độ thông thoáng cho đất, rễ cây sẽ phát triển mạnh. Tùy theo ẩm độ đất… mà nhịp độ tưới thay đổi từ 3 – 7 ngày/lần. thường tưới vào buổi sáng theo nhịp độ nêu trên.

+ Cần bón phân cung cấp đầy đủ dinh đưỡng cho cây hình thành và phát triển quả. Thanh long cần rất nhiều dinh dưỡng để nuôi quả, cần bón phân hữu cơ cân đối với phân vô cơ, nếu không có phân hữu cơ tự có thì có thể thay phân hữu cơ vi sinh bón 0,5- 1 kg/trụ/năm. Với phân hóa học thì liều lượng, số lần bón khác nhau căn cứ vào điều kiện đất đai, thời gian trồng (năm thứ nhất, thứ 2, thứ 3, …) và đặc điểm hình thái tại thời điểm hiện tại của cây thanh long.

Nếu năm thứ 2 thường áp dụng: 300,0 gam Urê/trụ/năm và 200,0 gam NPK (16-16-8)/trụ/năm. Bón đợt 1 vào trước thời kỳ ra hoa, đậu quả (tháng 3 – 4) thúc 2/3 lượng phân, đợt 2 trong thời kỳ ra hoa, đậu quả (tháng 6-7) bón thúc 1/3 lượng phân còn lại.

Cây từ năm thứ ba đến năm thứ 4 cần lượng phân bón nhiều hơn năm 2. Liều lượng phân bón điều chỉnh phù hợp với điều kiện đất đai, tình hình sinh trưởng và phát triển của cây thanh long. Chú ý bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ kết hợp với phân vô cơ, bón phân tổng hợp NPK, Kali clorua để tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả.

Lượng phân bón cho năm thứ 3 và thứ 4 như sau:

Phân hữu cơ:

Bón 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa, với liều lượng 20 – 30 kg phân chuồng hoai + 1 kg Super lân hoặc lân Văn Điển/trụ.

Nếu không chủ động được nguồn phân chuồng có thể thay thế phân chuồng bằng các loại phân hữu cơ vi sinh với liều lượng 3 – 5 kg/trụ.

Phân vô cơ:

Đơn vị tính: gam/trụ/năm

Phân đơn Phân tổng hợp
Tháng Ure Supe lân Kaliclorua NPK20-20-15 NPK22-10-20 Kali
9 – 10 200 3.600 0 350 0 40
12 200 0 150 350 0 40
2 200 0 150 350 0 40
4 100 0 150 350 0 40
5 100 0 100 0 250 0
Lần thứ 6 -8, mỗi tháng/lần
100 0 100 0 250 0

– Lần thứ 1 bón ngay sau khi kết thúc thu hoạch vụ chính (vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10).

– Nếu đất có phản ứng chua thì thế Super lân bằng lân Văn Điển và bón thêm vôi từ 200 – 500 kg/ha.

Sử dụng Phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng: Để tăng cường thêm dinh dưỡng cho cây giúp cây phát triển tốt, có thể sử dụng thêm phân bón qua lá để bón cho cây theo khuyến cáo sau:

Sau khi thu hoạch và cắt tỉa cành tạo tán, phun phân bón lá NPK 30-30-10, phun 3 lần, 7 ngày/lần, với liều lượng 15 g/bình 8 lít.

Giai đoạn chuẩn bị ra nụ, phun phân bón lá NPK 10-52-10, phun 2 lần, 7 ngày/lần.

Giai đoạn nụ được 8-10 ngày: dùng chất điều hòa sinh trưởng và phân bón lá 20-20-20, liều lượng 15 g/bình 8 lít.

Sau khi hoa thụ phấn 3 ngày, dùng chất điều hòa sinh trưởng và phân bón lá NPK 30-10-10 phun với liều lượng 15 g/bình 8 lít.

Trong giai đoạn nuôi trái sử dụng phân bón lá NPK 20-20-20, phun 7 ngày/ lần, liều lượng 15 g/bình 8 lít.

Trước thu hoạch (15 – 20 ngày), phun phân bón lá NPKCa 12-0-40-3Ca, liều lượng 15 g/ bình 8 lít, phun 2 lần, 7 ngày/lần.

– Cần tiến hành tỉa nụ, tỉa hoa, quả theo đúng quy trình. Thông thường khi nụ xuất hiện được 3-5 ngày thì tỉa nụ. Trên mỗi cành chỉ để 1-2 nụ, lưu ý để 2 nụ ở vị trí xa nhau, sau khi hoa nở 5-7 ngày thì tỉa quả, chỉ để lại 1 quả/cành.

Thứ 2,  có thể do khi hoa nở gặp mưa lớn trôi hạt phấn, làm cho hoa không thụ phấn được.

Có thể khắc phục bằng cách: Giai đoạn nụ cần kiểm tra vườn thanh long thường xuyên và theo dõi bản tin thời tiết. Buổi chiều quan sát trời có khả năng mưa vào buổi tối hoa nở, chị nên dùng dây  chun cuốn quanh nụ hoa sắp nở để hạn chế nước mưa vào phấn hoa làm hỏng phấn hoa.

Thứ 3, có thể do giai đoạn quả non gặp mưa axit gây rụng quả hàng loạt.

Ngoài ra cũng có thể là do một số trường hợp do côn trùng gây hại (như bọ xít) làm thanh long không đậu quả hoặc quả non bị rụng hết.

Thứ 4, có thể do tác động của côn trùng, bệnh gây hại trực tiếp đến nụ, hoa, quả dẫn tới thối và rụng.

Để hạn chế do côn trùng, bệnh gây hại anh thường xuyên kiểm tra để pháp hiện sớm có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Nếu bị bệnh do nấm như bệnh đốm đồng tiền sử dụng các loại thuốc đặc trị như tilt super, antracol, ridomyl, benomyl, score, coc 85…

Nếu do côn trùng (bọ xít ) có thể phun các loại thuốc như Trebon 10EC, Confidor 100 SL, Admine 50 EC, Bassan 50 ND, Applaud 10 WP nồng độ 0,2%.

* Cùng với các biện pháp phòng chống những nguyên nhân trên để giúp hoa mập mạnh và dễ đậu trái hơn, anh có thể phun bổ sung thêm 1-2 lần Đậu trái C.A.T hoặc 1 số thuốc đậu trái khác. 7 ngày 1 lần phun sau khi hoa nhú (từ khi hoa nhú đến đậu trái khoảng 3 tuần).

Chuyên gia Th.S Phạm Thị Hoàn