Hỏi đáp cách phân biệt bệnh vàng lùn và hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ

Hỏi: Nghe nói bệnh vàng lùn đang xuất hiện trên lúa ở vùng chúng tôi. Xin cho biết cách phân biệt bệnh này với hiện tượng bị ngộ độc hữu cơ và phèn?

lua bi benh vang lun

Ảnh minh họa

Trả lời: Bạn có thể phân biệt như sau:

Bệnh vàng lùn: Thường xuất hiện khi cây lúa được khoảng 25 – 30 ngày tuổi trở đi. Bệnh thường xuất hiện trên từng cây, từng bụi lúa riêng biệt, nằm xen kẽ với cây khỏe. Ngay cả ruộng bệnh nhiều thì vẫn có những cây bình thường nằm xen kẽ trong đó. Ruộng bị bệnh vàng lùn thường kèm theo bệnh lùn xoắn lá và không thể chữa khỏi.

Cây nhiễm bệnh, lá dưới gốc sẽ bị vàng trước, rồi lan dần lên lá trên, màu vàng bắt đầu từ chóp lá lan dần xuống, và từ hai bên mép lan dần vào gân chính, phần tiếp giáp giữa chỗ bị vàng và chỗ còn xanh không có gianh giới rõ rệt. Nếu nặng, cây lúa sẽ bị cháy khô và chết.

Nếu nhiễm bệnh khi lúa còn nhỏ thì cây sẽ bị lùn, chậm phát triển và chết dần, nếu bị nhiễm muộn cây lúa sẽ bị lùn ít hoặc không bị lùn, vẫn có thể trỗ bông nhưng thường bị trỗ nghẹn và lép nhiều.

Ngộ độc chất hữu cơ: Thường xẩy ra sớm (khoảng 15 – 30 ngày sau sạ) và đồng loạt trên mọi cây, chất độc trong đất làm rễ bị ngộ độc không hấp thu được chất dinh dưỡng, làm lá lúa chuyển màu vàng đỏ, trên có nhiều vết bệnh đốm nâu. Bộ rễ bị thối đen, mùi hôi, cây lúa phát triển kém, đẻ nhánh ít, còi cọc và chết dần. Nếu phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì cây lúa vẫn hồi phục được.

Ngộ độc phèn: Thường xuất hiện đồng loạt, không loại trừ cây nào, rễ lúa có màu nâu vàng, lá có màu tối xỉn, bẩn, trên lá có nhiều đốm nhỏ màu nâu, màu bã trầu. Cây lúa không ra được rễ mới, phát triển kém, nếu nặng có thể bị lụi và chết. Nếu chữa trị kịp thời thì cây lúa vẫn hồi phục được.

Hỏi đáp cách khắc phục lúa bị ảnh hưởng của thuốc trừ cỏ

Hỏi đáp những loại đất trồng được măng tây​

Theo Nông nghiệp