Cách phòng trị bệnh nấm hồng trên cây cà phê

Cây cà phê và nhiều loại cây lâu năm khác vào mùa mưa thường bị bệnh nấm hồng gây hại. Dưới đây là một số lưu ý về cách phòng trị bệnh nấm hồng trên cây cà phê.

benh nam hong tren cay ca phe

Ảnh minh họa

Bệnh nấm hồng do nấm Corticium salmonicolor Berkeley & Broome gây ra, là một trong những dịch hại quan trọng trên cây cà phê, đặc biệt khi có điều kiện ẩm độ cao nhưng nhiều ánh sáng. Bệnh phát triển làm chết cành rất nhanh trên từng cây, nhưng khả năng lây lan từ cây này sang cây khác thì chậm.

Triệu chứng & tác hại

Khi mắc bệnh nấm hồng, trên quả cành hay thân cây cà phê xuất hiện những chấm rất nhỏ màu trắng giống như bụi phấn. Những chấm này nhiều lên tạo thành một lớp phấn mỏng về sau có màu hồng là bào tử của nấm. Nếu bệnh xuất hiện ở cành thì thường nằm ở mặt dưới cành, nếu ở quả thường từ cuống quả. Vết bệnh phát triển chạy dọc theo cành và làm cành chết khô, quả héo và rụng. 

Trên một cây cà phê bị bệnh thường xuất hiện ở tầng giữa và tầng trên, ít thấy ở tầng dưới. Còn trên vườn sẽ thấy xuất hiện ở những cây phía ngoài vườn hoặc những vùng có cây bị khuyết. 

Thời gian gây hại

Bệnh nấm hồng trên cây cà phê phát sinh từ tháng 6 – 7, cao điểm vào tháng 9 và chấm dứt vào cuối mùa mưa (tháng 10 – 11).

Biện pháp phòng trừ

Kiểm tra vườn cây cà phê đầu mùa mưa, nhất là những năm có mưa nhiều để phát hiện bệnh sớm.

Cắt, đốt cành cà phê bị bệnh nấm hồng gây hại nặng.

Biện pháp sinh học: Sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học như: Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP).

Biện pháp hóa học: Nếu bệnh xuất hiện phổ biến có thể phun một trong các loại thuốc hóa học. Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Validamycin (Validacin 3 L, Validan 5 DD, Vali  5 DD); Hexaconazole (Anvil 5 SC); Carbendazim (Arin 25 SC), Copper Hydroxide (Champion 77 WP).

Nên phun lúc mới xuất hiện nấm màu trắng (trước khi xuất hiện nấm màu hồng), phun 2 – 3 lần cách nhau 15 ngày. 

Hỏi – đáp cách ủ chua thức ăn xanh cho lợn

Hỏi – đáp cách phân biệt chim bồ câu trống, mái

Tổng hợp nguồn Giacaphe.com, TS.Trương Hồng-Q.Viện Trưởng Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên