Ngành tôm Sóc Trăng: Gia tăng lợi nhuận từ công nghệ

Là vùng đất giàu tiềm năng phát triển thủy sản nhất là với con tôm, những năm qua, hàng trăm hộ dân tại Sóc Trăng đã ứng dụng các mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả như nuôi tôm hai, ba giai đoạn, lót bạt và hiện nay là nuôi tôm ao nổi…; tất cả đều rất thành công đem về lợi nhuận tốt, hạn chế dịch bệnh.

Con tôm là loại thủy sản không dễ nuôi trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết trong các năm gần đây và để vụ nuôi tôm thắng lợn ngành chuyên môn tại Sóc Trăng đã xây dựng lịch mùa vụ thả giống tôm cho từng địa phương và tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân cách phòng tránh dịch bệnh trên tôm nuôi cũng như triển khai các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đến hộ dân.

Nhiệt tình đưa chúng tôi tham quan ao nuôi tôm hai giai đoạn của gia đình triển khai thực hiện gần 2 năm qua, ông Ngô Công Luận (ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên) hồ hởi chia sẻ: “Mấy mươi năm gắn bó với nghề nuôi tôm đã góp phần giúp gia đình có đời sống ổn định, tôi có tổng diện tích đất nuôi tôm là 4,5 ha với tổng số 8 ao nuôi trừ hết các bờ bao diện tích mặt nước khoảng 2,4 ha với diện tích trên hàng năm nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến nuôi 1 vụ tôm và trồng 1 vụ lúa. Do nuôi theo hình thức truyền thống tôm thả nuôi thưa tầm 15 con/m2 nên sản lượng sau thu hoạch ước 10 – 15 tấn  tùy vào từng vụ nuôi, thậm chí sản lượng còn thấp hơn, nuôi tôm bị lỗ nặng do diện tích đất rộng khó trong việc quản lý ao nuôi, dịch bệnh không xử lý kịp ảnh hưởng đến mùa vụ. Sau nhiều ngày suy nghĩ và học hỏi kinh nghiệm thông qua các cuộc hội thảo của ngành chuyên môn và học tập kinh nghiệm khi đi thực tế các tỉnh, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến, sang nuôi tôm 2 giai đoạn”.

Với 5.600 m2, ông Luận chia làm 5 ao nuôi, trong đó có ao ương, ao nuôi, ao lắng và nước lấy vào ao nuôi, chỉ duy nhất một lần trong năm với lượng nước trên sau vụ nuôi đợt đầu sẽ lắng lọc lại và phục vụ cho lần nuôi kế tiếp. Nhờ nuôi tôm công nghệ cao chỉ 2 ao nuôi (2.000 m2) sản lượng thu về hơn 30 tấn/năm/2 đợt nuôi, trừ các khoản chi phí lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Ghé thăm mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Tèo (ấp Cổ Cò, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên), chủ nhân nhanh chân đưa chúng tôi ra tham quan hệ thống nuôi tôm bằng ao nổi của gia đình. Anh Tèo bộc bạch: “Tôi chuyển đổi mô hình nuôi tôm dưới ao lên nuôi bằng ao nổi đã được 4 năm, với tổng số 6 ao nuôi, 1 ao nuôi có diện tích 700 m2, do nuôi trên ao nên tôm dễ quản lý, tôm nuôi được dày, với 1 m2 ao chứa 300 con tôm, hiện tại trọng lượng tôm trong ao nuôi đạt 18 – 20 con/kg, sản lượng tôm nuôi tăng gấp 25 – 30% so nuôi trong ao đất. Đồng thời, ao nuôi tôm đảm bảo vệ sinh môi trường vì toàn bộ nước thải từ ao nuôi được xử lý thông qua hệ thống lọc nước thải và nước lọc xong chứa vào ao lắng và lượng nước trên sẽ được đưa trở lại ao nuôi. Với ao nuôi 700 m2 sản lượng tôm thu hoạch 42 – 50 tấn/3 đợt nuôi đem về nguồn lợi nhuận rất tốt…”.

Phó phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên Tăng Thanh Chí, cho biết: “Địa phương tiếp tục khuyến cáo bà con thực hiện chủ trương thực hiện mô hình luân canh tôm – lúa. Đồng thời, trong những năm gần đây một số hộ dân có điều kiện về vốn, diện tích ở gần sông lớn họ phát triển nuôi hình thức siêu thâm canh với diện tích nuôi trên 280 ha, có hơn 150 hộ tham gia. Đây được xem mô hình nuôi hiện đại đạt năng suất sản lượng cao, bảo vệ được môi trường nuôi bằng cách hộ nuôi quản lý nguồn nước thải ra môi trường sau khi lọc sạch chất thải mới xả nước, góp phần đảm bảo mùa vụ nuôi tôm thành công cho các hộ nuôi tôm lân cận…”.

Ông Ngô Công Luận chia sẻ: “Nuôi tôm công nghệ cao sản lượng tôm nhiều nên thương lái thích mua, kèm theo đó tôm tại ao nuôi của gia đình đạt chuẩn ASC được doanh nghiệp liên kết thu mua giá cao hơn thị trường 4.500 đồng/kg. Hiện, tôi tham gia mô hình nuôi tôm do Tổ chức GIZ hỗ trợ quản lý nước thải ao tôm qua hệ thống lọc và chất thải tôm được giữ lại trong túi biogas tạo chất đốt, hạn chế ô nhiễm môi trường, an toàn sinh học cho ao nuôi”.