Nắng nóng lịch sử, người dân miền Trung lao đao trong “chảo lửa”

Nắng nóng kéo dài khiến người dân miền Trung đang phải “căng mình” chống chọi. Thời tiết cực đoan không chỉ khiến sinh hoạt khó khăn mà còn gây thiệt hại nặng nề trong nông nghiệp.

Hàng ngàn ha lúa và cây ăn quả có nguy cơ xóa sổ

Tại Nghệ An, thời tiết nắng nóng, oi bức khiến người dân cảm thấy khó chịu, nhiều người phải thay đổi lịch sinh hoạt cho phù hợp với tình hình thời tiết. Đây được xác định là một trong những đợt nắng nóng nhất tại tỉnh Nghệ An tính từ đầu năm 2020 đến nay. Nắng nóng gây rất nhiều khó khăn cho người dân trong lao động sản xuất cũng như sinh hoạt.

Thời tiết nắng nóng 38 – 41 độ C trong những ngày qua và không có mưa, đã gây hạn hán khốc liệt trên nhiều loại cây trồng.

Người dân miền Trung “căng mình” trong nắng nóng - Ảnh 1.

Muôn kiểu tránh nắng của người dân miền Trung

Tại Quỳnh Lưu, gần 500 ha lúa vụ hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới trầm trọng, tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lâm, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hưng, Quỳnh Yên, Quỳnh Hoa, An Hòa…

Hiện nay, huyện đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đưa nước về bơm tát chống hạn cho cây trồng. Các HTX dịch vụ nông nghiệp tăng cường tuyên truyền nhân dân dùng các loại máy bơm điện, bơm xăng dầu để bơm nước ở hồ đập, khe suối lên những diện tích đang bị hạn nặng.

Người dân miền Trung “căng mình” trong nắng nóng - Ảnh 2.

Nắng nóng, khô hạn khiến người đàn ông này phải dùng xô, chậu qua nhà hàng xóm gánh nước sạch mang về dùng.

Tại huyện Hưng Nguyên, trái với cảnh cây chanh trĩu quả, thu hoạch “không ngớt tay” các năm trước, những ngày này nhiều người không khỏi xót xa trước hình ảnh những quả chanh khô quắt, cháy đen ngay trong mùa thu hoạch mà nguyên nhân chính là do nắng nóng kéo dài thời gian qua.

Bà Hoa ở xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên) nhìn vườn chanh khô héo, thở dài: “Chanh chủ yếu được trồng trên sườn đồi, có độ dốc cao, nguồn nước vốn đã hiếm thì lại gặp hạn hán khốc liệt cả tháng qua khiến hàng chục cây chanh của gia đình chết khô, những cây còn lại đang héo quắt, chờ chết từng ngày…”.

Người dân miền Trung “căng mình” trong nắng nóng - Ảnh 3.

Nắng như đổ lửa, chanh khô quắt trên cây khiến người dân không khỏi xót xa

Không chỉ xã Hưng Yên Nam mà tại các xã Hưng Yên Bắc, Hưng Tây, Hưng Trung… diện tích chanh cũng lâm vào cảnh “sống mòn” dưới nắng nóng khắc nghiệt. Theo thống kê của phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên, toàn huyện có 400 ha chanh, nếu thời gian tới không có mưa, phần lớn diện tích chanh sẽ phải chặt bỏ và trồng lại trong những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, Nghệ An là địa bàn có số lượng hồ chứa nhiều thứ 2 trên cả nước, gồm 625 hồ chứa, trong đó có 528 hồ chứa do các địa phương huyện, xã quản lý hiện mực nước chỉ đạt từ 20 – 30%, đặc biệt nhiều hồ đã cạn kiệt nước.

Người dân miền Trung “căng mình” trong nắng nóng - Ảnh 4.

Do hạn hán kéo dài, nhiều diện tích cây trong khô héo

Trước thực trạng thiếu nước cho sản xuất vụ hè thu, Chi cục Thủy lợi Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền nhân dân tiết kiệm nước. Các đơn vị thủy lợi, các xã sử dụng tưới tiêu hợp lý, một số diện tích thiếu nước cần phải chuyển đổi sang trồng cây hoa màu.

Tại tỉnh Quảng Bình, những ngày qua trời nắng cộng thêm gió phơn Tây Nam thổi liên tục làm bầu không khí rất ngột ngạt. Có thời điểm, tại những nơi như thành phố Đồng Hới, huyện Lệ Thủy, huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, máy đo nhiệt độ báo trên 43 độ C.

Nắng nóng, thời tiết khô hanh, không mưa đã khiến các nguồn nước khan hiếm, nhiều diện tích cây trồng khô hạn. Đồng ruộng hầu hết vắng bóng người làm bởi thời tiết quá khắc nghiệt, nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang héo quắt, chân ruộng bị nứt nẻ, khô khốc, cây lúa non yếu ớt oằn mình dưới cái nắng bỏng lửa.

Người dân miền Trung “căng mình” trong nắng nóng - Ảnh 5.

Những cánh đồng lúa nứt nẻ do thiếu nước

“Gần 2 tháng nay hầu như không có giọt mưa nào, nhìn 3 sào lúa bị héo, ruộng khô nứt nẻ mà tôi rơi nước mắt”.

Bà Nguyễn Thị Xuân, xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

Tại huyện Bố Trạch, do nắng nóng và thiếu nước tưới khiến 223ha lúa trên tổng gần 1.683ha gieo cấy vụ lúa hè – thu bị héo quắt, nhiều nông dân rơi nước mắt, bất lực nhìn lúa héo, ruộng khô nứt nẻ.

Tại huyện Tuyên Hóa, vụ hè – thu năm nay gieo cấy hơn 1.149ha, nhưng nắng hạn kéo dài khiến 223ha lúa không đủ nước tưới. Đặc biệt, tại xã Châu Hóa, hơn 80ha lúa có nguy cơ “mất trắng” vì hạn hán.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2020, tổng diện tích gieo cấy vụ hè – thu trên địa bàn tỉnh này là 14.021 ha, diện tích gieo cấy nhưng do nắng hạn không đủ nước tưới là 841 ha, trong đó, huyện Tuyên Hóa 223 ha, huyện Bố Trạch 223 ha, Tx. Ba Đồn 125 ha, huyện Minh Hóa 141 ha, huyện Quảng Ninh 57 ha, huyện Lệ Thủy 72ha.

Tính đến giữa tháng 7, 17 hồ chứa do Công ty Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình quản lý có dung tích trung bình đạt 43% so với dung tích thiết kế. Các hồ chứa do địa phương quản lý dung tích chỉ đạt 20% so với dung tích thiết kế. Nhiều hồ đạt thấp dưới 10%, hoặc đã thấp dưới mực nước chết. Nếu thời tiết nắng gắt và không có mưa tiếp tục xảy ra, diện tích lúa bị hạn sẽ tăng thêm vào cuối vụ là 1.527 ha.

 Trắng đêm kéo nước cứu cây trồng

Huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong đợt nắng nóng gay gắt kéo dài.

Người dân miền Trung “căng mình” trong nắng nóng - Ảnh 7.

Những chiếc máy bơm, vòi phun nước hoạt động hết công suất…

Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã có 942ha cam, bưởi bị thiếu nước, tập trung tại các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên, Hương Lâm và Hương Liên. Trong đó, 7ha bị héo chết không có khả năng phục hồi tại các xã Hương Thủy, Phúc Trạch, Lộc Yên. Để cứu diện tích cây trồng còn lại không bị chết khô, nhiều hộ dân phải mua vòi dẫn và máy bơm, hút nước từ sông, suối lên tưới chống hạn cho cây.

Nắng nóng cũng đã làm cho 200ha lúa hè thu tại các xã Hương Xuân, Hương Long, Hương Bình, Hương Lâm, Hương Liên… bị thiếu nước. Hầu hết 1.500ha ngô, đậu sinh trưởng kém do nắng hạn.

Người dân miền Trung “căng mình” trong nắng nóng - Ảnh 8.

Cứu vớt hi vọng còn lại

Ông Phan Kỳ – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê – cho biết: Trước tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến các loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả. Để chống hạn, huyện đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng các biện pháp như tấp ủ gốc, tưới nước; tìm kiếm, bổ sung thêm các nguồn nước như đào giếng, huy động máy bơm từ các sông suối gần vườn cây để chống hạn.

Người dân miền Trung “căng mình” trong nắng nóng - Ảnh 9.

Những người mẹ mưu sinh giữa cánh đồng muối

Tại huyện Vũ Quang, vụ hè thu 2020 toàn huyện gieo trồng 1.190 ha (trong đó có: lúa 365 ha, ngô 220 ha, đậu 310 ha…). Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài liên tục trong gần 1 tháng, gió phơn Tây Nam thổi mạnh làm nước bốc hơi nhanh… nên nước ngầm bị tụt, nguồn nước ở các kênh mương, hồ đập xuống thấp nên đã ảnh hưởng rất lớn đến các loại cây trồng và việc chống hạn gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu của ngành NN&PTNT huyện Vũ Quang, đến nay, toàn huyện đã có trên 30% cây trồng vụ hè thu bị hạn, cá biệt có những nơi như Ân Phú, Thọ Điền diện tích bị ảnh hưởng rất lớn. Những ngày tới, nếu trời không có mưa thì các loại cây trồng khó có khả năng phục hồi và nguy cơ mất mùa vụ hè thu là rất lớn.

Người dân miền Trung “căng mình” trong nắng nóng - Ảnh 10.

Chị Vũ Thị Thoan (30 tuổi, trú tại thôn Tiền Phong, xã Hương Trà) phải đầu tư hơn 10 triệu để lắp đặt đường ống hút nước, tưới chống hạn cho hơn 7 sào chè của gia đình

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh – công tác chống hạn đang được các địa phương triển khai quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trước dự báo trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục nắng nóng gay gắt kéo dài 10 – 20 ngày tới, ngành nông nghiệp đã và đang chỉ đạo các địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp chống hạn, kỹ thuật cho cây trồng vụ hè thu.

“Để chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thời tiết, các công ty thủy lợi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức đắp chặn các trục tiêu, kênh dẫn, khe lạch để giữ nước. Mặt khác, bơm tát, lắp đặt thêm các máy bơm dã chiến, thực hiện phương án chuyển nước tạo nguồn từ các hồ chứa để chống hạn” – ông Thanh nhấn mạnh.