Muốn xuất khẩu phải loại bỏ chất cấm

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, xu thế không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản, nhất là Ethoxyquin đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Vậy nên Việt Nam muốn xuất khẩu, nhất thiết phải tuân thủ quy định của các thị trường.

Nói không với EQ

Ethoxyquin (EQ) là chất chống ôxy hóa tổng hợp được sử dụng để ngăn ngừa quá trình ôi thiu của chất béo có trong thức ăn, là phụ gia thức ăn được sử dụng trong bảo quản bột cá. EQ được sử dụng nhiều trong sản xuất bột cá, vốn là nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, từ ngày 1/4/2020, EU sẽ cấm dùng Ethoxyquin trong thức ăn và nguyên liệu thức ăn cho các loại vật nuôi trong khi tại các thị trường khác thì vẫn cho phép ở giới hạn dư lượng tối đa.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, năm 2017, EU đã ban hành Quyết định 2017/962 về việc kiểm soát Ethoxyquin, theo đó thời gian chuyển tiếp đến hết ngày 31/3/2020. Sau ngày này, EU cấm “dùng Ethoxyquin trong thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn cho tất cả các loại động vật”. Hầu hết các quốc gia đặt giới hạn dư lượng tối đa (MRL) của ethoxyquin trong khoảng 77 ppm – 150 ppm (phần triệu). Quy định của EU trực tiếp cấm Ethoxyquin trong thức ăn cho động vật – thủy sản, khác với quy định của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ là kiểm soát (có ngưỡng MRL) dư lượng tồn dư Ethoxyquin.

Ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch HĐQT NAN Group thông tin: “Chúng tôi làm việc nhiều năm với EU và thấy rằng EU lo ngại tồn dư Ethoxyquin ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, không chỉ sản phẩm nhập khẩu vào EU sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt tồn dư Ethoxyquin mà tất cả các sản phẩm sản xuất từ EU xuất khẩu đi các nước cũng bị kiểm soát tồn dư Ethoxyquin gắt gao”.

chế biến tôm xuất khẩuẢnh minh họa

Được biết, nhiều năm qua EU đã dứt khoát với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và họ cũng đang muốn làm một tấm gương trong việc hạn chế và loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi, nhẳm bảo vệ tương lai cho nhân loại khỏi việc lạm dụng kháng sinh dẫn tới lờn kháng sinh trong điều trị bệnh.

Không dễ giải quyết

Lâu nay, cứ nói tới việc vi phạm về sử dụng chất cấm, nhất là kháng sinh trong chăn nuôi, người ta thường nghĩ ngay tới “thủ phạm” đó là người nuôi, các trang trại, các doanh nghiệp… những người ý thức kém và chạy theo lợi nhuận. Song thực tế cũng không hẳn như vậy.

Bà Võ Thị Mộng Thu, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản TP Hồ Chí Minh nói: “Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản hoạt động theo mô hình nhập nguyên liệu từ các nước và các nơi về để sản xuất, đóng gói. Muốn sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản không có Ethoxyquin thì phải có được nguồn nguyên liệu thức ăn sạch, không chứa Ethoxyquin. Lâu nay cứ đổ lỗi cho người dân sử dụng chất cấm là không thật sự công bằng”.

Chị Quyên, một chuyên gia thức ăn chăn nuôi và thủy sản có 16 năm làm việc trong lĩnh vực này chia sẻ: “Đa số các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản hiện nay sử dụng bột cá nhập khẩu là nguyên liệu chính, mà nguồn bột cá nguyên liệu này lại thường chứa chất Ethoxyquin. Nhiều người nói vui rằng, nếu EU cấm sử dụng bột cá có chứa chất Ethoxyquin để sản xuất thức ăn thì nhiều nhà máy sẽ không biết lấy gì làm nguyên liệu sản xuất và có lẽ phải sản xuất thức ăn chay cho ngành chăn nuôi!”.

Theo số liệu của Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2019, lượng nhập khẩu bột cá đạt 122,1 nghìn tấn, trị giá 157,9 triệu USD, tăng 4,3% về lượng so cùng kỳ năm 2018 và trong những tháng cuối năm, con số này cũng đạt khoảng 8.000 -10.000 tấn/tháng, với giá trung bình từ 1.250 – 1.300 USD/tấn. Là cường quốc về biển với bờ biển dài 3.200 km nhưng Việt Nam vẫn phải nhập bột cá khối lượng lớn từ Peru, Chilê… các quốc gia này vẫn thường sử dụng Ethoxyquin làm chất bảo quản bột cá của họ.

Quyết liệt thực hiện

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, đối với những thị trường như EU – việc họ đã  tuyệt đối cấm Ethoxyquin thì ngành nông nghiệp Việt Nam chỉ còn cách thực hiện nếu muốn xuất khẩu sản phẩm vào EU. Theo đó, cần tập trung vào các biện pháp, giải pháp loại bỏ Ethoxyquin khỏi thức ăn chăn nuôi và thủy sản để xuất khẩu sản phẩm vào EU.

Nhiều ý kiến nhận định việc cấm dụng Ethoxyquin trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản như việc cấm rượu bia, phải quyết liệt thực hiện thì mới đạt được kết quả.

Để tránh việc sử dụng nguyên liệu nhiễm Ethoxyquin từ nguồn nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn phải tìm các nguồn nguyên liệu từ các quốc gia không sử dụng chất cấm này, tích cực tìm nguồn cung trong nước. Áp dụng các biện pháp loại bỏ chất cấm ra khỏi sản phẩm của mình.

Chuyên gia của C.P. Việt Nam thông tin, chất bảo quản không phải là một vấn đề quá nan giải đối với khoa học kỹ thuật của Việt Nam: “Ethoxyquin chỉ là một trong những giải pháp chống ôxy hóa nguyên liệu thức ăn, nhất là bột cá. Từ năm 2014 đến đến nay, C.P đã áp dụng các công nghệ mới chống ôxy hóa và đã loại bỏ được Ethoxyquin khỏi sản phẩm của mình. Chứng tỏ các nhà máy sản xuất thức ăn của Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát và loại bỏ Ethoxyquin khỏi thức ăn chăn nuôi và thủy sản, vấn đề chỉ là sự quyết tâm, quyết liệt đến đâu?”.

Một số công ty sản xuất thức ăn cho biết Việt Nam hiện đã sản xuất được một sản lượng bột cá đáng kể, thậm chí xuất khẩu được sang Trung Quốc. Song một số sản phẩm trên này lại chưa có được các chứng nhận quốc tế, do vậy, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn đã không chọn bột cá sản xuất tại Việt Nam làm nguyên liệu.

Được biết trong hoàn cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang bị “thẻ vàng” xuất khẩu thủy sản vào EU, các cơ quan chức năng sẽ xử phạt rất nghiêm các doanh nghiệm vi phạm lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm có chứa Ethoxyquin vào EU, đồng thời Chính phủ cũng có nhiều giải pháp pháp và sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc sản xuất, nuôi trồng không sử dụng chất cấm trong năm 2020.