Mức hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch chưa hợp lý

Sau khi Cục Thú y công bố dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình cùng việc tiêu hủy hàng trăm con lợn mắc bệnh, nhiều người chăn nuôi lợn lo lắng bởi cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ chưa thực sự hợp lý.

Theo khoản b, Điều 4 quy định mức hỗ trợ với nuôi gia súc, gia cầm thiệt hại do dịch bệnh quy định: Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy là 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn.

13-39-50_heo-chet
Nhiều hộ chăn nuôi lợn kiến nghị mức hỗ trợ tiêu hủy với lợn giống, lợn cụ kỵ, ông bà cần được nâng lên mức hợp lý hơn

Theo người chăn nuôi lợn, việc hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn to và trưởng thành khi dịch bệnh là rất phù hợp vì mức hỗ trợ trên về cơ bản đã ngang bằng hoặc cao hơn giá thành sản xuất, tuy nhiên nếu quy cân hơi đối với lợn con giống, lợn cụ kỵ, ông bà thì lại không thấm vào đâu, bởi 1 lợn giống xuất chuồng 6 – 8kg hiện nay giá dao động bình quân từ 800.000 – 1,4 triệu đồng (tùy lợn lai hay siêu nạc) nên nếu quy ra kg hơi thì thiệt rất lớn. Chưa kể, giá trị 1 con lợn ngoại cụ kỵ, ông bà 50kg hiện trên thị trường lên tới hàng chục triệu đồng.

Trong khi đó, cũng tại Nghị định 02, tại khoản a, Điều 4 quy định mức hỗ trợ đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm thiệt hại do thiên tai có phần hợp lý hơn khi quy định lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000 – 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 – 1.000.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con.