‘Lò gạch công nghệ cao’ tàn phá mùa màng

Hiện gần chục lò gạch úp vung ở xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) dù hết thời hạn cấp phép sản xuất, nhưng vẫn vô tư hoạt động “sôi động”. Khói lò gạch ảnh hưởng đến đời sống người dân, làm thiệt hại mùa màng.

Hơn 20 năm qua, người dân xã Thanh Đa bức xúc vì gần chục lò gạch thủ công làm mất mùa. Điển hình vụ xuân vừa qua, các lò gạch làm cháy lúa của hơn chục hộ dân, các gia đình trồng hoa cũng bị chết gần hết.

11-27-08_nh_1

Gần chục lò gạch được cho là “lò công nghệ cao” hoạt động ở Thanh Đa

Bà Nguyễn Thị Mai ở thôn Phú Đa (xã Thanh Đa) chua chát nói: “Vụ vừa rồi, nhà nặng thì mất mùa 100%, có nhà nhẹ mất 20 – 30%. Ở đây, người nào ngửi khói lò gạch quen rồi không sao, còn không quen thì khó chịu lắm. Chính quyền nói là hết hợp đồng rồi, nhưng các lò gạch thủ công vẫn cứ đổ đất, cứ làm gạch như chưa hề có chuyện gì”.

Khi các lò gạch đốt lò thì cả một vùng trời nghi ngút khói đen, dân ra phản đối thì những chủ lò gạch chối bay, là không thả khói và cũng không gây ô nhiễm. Được biết, những lò gạch một phần nằm trên địa phận xã Ngọc Tảo, một phần nằm trên đất xã Thanh Đa nên chồng chéo, nhập nhoạng thành ra họ cứ "chầy cối" không chịu bồi thường cho dân.

Từng bày tỏ, kiến nghị nhưng chính quyền không giải quyết, anh Nguyễn Văn Sơn, ở thôn Phú Đa (xã Thanh Đa) không khỏi bức xúc. Anh cho biết: “Trước đây khi các lò gạch chưa xây ống khói lên cao, thì khói bụi còn nghiêm trọng hơn nhiều. Mỗi lần, gió bắc thổi, khói đen sì bao trùm cả thôn, làm lúa, cây hoa màu không thu được gì. Cây cối vườn nhà tôi không bao giờ có quả. Từ khi họ cho xây ống khói cao lên còn đỡ”.

11-27-08_nh_2

Ngày đêm xả khói mù mịt

Anh Sơn cũng như người dân thắc mắc, không hiểu tại sao chính quyền nói năm 2016 các lò gạch này sẽ xóa bỏ nhưng đến giờ vẫn hoạt động tấp nập. “Nhiều lần gió thổi vào khu dân cư nồng nặc mùi than, chỉ còn ngồi trong nhà, hoặc đi đâu để tránh khói, ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em và người già. Nguyện vọng của người dân bây giờ là xóa bó các lò gạch thủ công, nếu không thì dời đi nơi khác”, anh Sơn chán chường nói.

Trước sự bức xúc, phản đối của người dân thì chính quyền lại phản biện rằng, các lò gạch “công nghệ cao”, áp dụng kỹ thuật hiện đại nên tác động cũng … không lớn. Theo UBND xã Thanh Đa thì chỉ có 2 lò gạch nằm trên đất của xã, còn lại các lò gạch khác nằm giáp ranh với xã Ngọc Tảo.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UNND xã cho biết: “Vừa rồi có một lò gạch khu vực xã Ngọc Tảo, đốt lò đúng lúc mưa nhiều quá, một miếng vỏ đầu hồi của lò bị hở, nứt. Sau đó, khói dính gió bấc ảnh hưởng một số  diện tích lúa, hoa màu của người dân trên đất Thanh Đa. Các chủ lò đã đền bù thiệt hại về lúa hơn 17 triệu, hoa màu 18 triệu đồng rồi”.

Còn việc xã gia hạn cho các lò gạch thủ công hoạt động, thì ông Mạnh lý giải: “Những lò gạch này họ mới đầu tư công nghệ mới, chi phí lên đến hang trăm triệu, thậm chí tiền tỷ. Nên họ đề xuất lên chúng tôi, chúng tôi đề xuất lên huyện cho họ gia hạn thêm, để họ lấy thu hồi vốn vừa bỏ ra. Sau đó, chúng tôi sẽ đề xuất xóa bỏ và giải phóng đất để chuyển đổi sang mô hình VAC”.

11-27-08_nh_3

Các lò gạch xập xệ, nhếch nhác

Còn với xã Ngọc Tảo, nơi có nhiều lò gạch hoạt động tự do, thì chính quyền cho rằng người dân không phản đối, không có đơn thư nên họ vẫn cho sản xuất. Theo hợp đồng thì năm 2016 các lò gạch này hết thời gian cấp phép, nhưng xã cho gia hạn thêm, với lý do thành phố chưa có ý kiến gì, cũng như các lò gạch này đang đóng góp tích cực cho địa phương.

Ông Nguyễn Trung Tình, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo phản biện: “Hiện có 6 lò gạch úp vung. Chúng tôi gia hạn nhằm giúp họ thu gom đất dư thừa, thứ nữa giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, cuối cùng nhằm có vật liệu xây dựng NTM, xây dựng các công trình phúc lợi địa phương. Chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến của thành phố để xem xét xử lý tiếp".

Công ty thuốc thực vật bốc cháy, hôi nồng, di dời ngàn học sinh

Quảng Nam: “Cạo trọc” hàng trăm ha rừng tự nhiên để trồng keo?

Theo Nông nghiệp