Lão nông thủ đô kiếm trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi cá cảnh trong chai lọ phế thải

Tận dụng những vỏ chai lọ phế thải và nguồn thức ăn tự nhiên để nuôi cá cảnh, lão nông Trần Ngọc Thắng (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dù trại nuôi cá nằm sâu trong một con ngõ nhưng từ nhiều năm nay, trang trại nuôi cá cảnh của ông Trần Ngọc Thắng phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã “vang danh” khắp gần xa.

Empty

Trại cá cảnh của lão nông Trần Ngọc Thắng nổi tiếng khắp gần xa

Chia sẻ về trang trại nuôi cá được được gia đình làm cách đây khoảng 20 năm ông Thắng cho biết, ban đầu việc nuôi cá chỉ là niềm vui, sở thích của bản thân. Sau một thời gian tham gia vào các câu lạc bộ, hội nhóm sinh vật cảnh… ông đã nhân rộng mô hình nuôi cá cảnh nói chung và đặc biệt các giống cá chọi ngoại nhập để tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

“Lúc đầu chỉ có ý định nuôi chơi, lâu dần nhận thấy giá trị kinh tế nên tôi chuyển hẳn sang nuôi theo mô hình kinh doanh”, ông Thắng nói.

Trại của ông Thắng chủ yếu là các giống cá chọi, cá đủ màu sắc từ đỏ, cam, xanh, trắng, vàng…. Những loại cá này chỉ bé bằng ngón tay, có giá giao động từ 10.000 – 500.000 đồng/con. Các giống cá chọi như Koi, Fancy, Samurai,… được ông tận dụng những chai, lọ thủy tinh hoặc nhựa để nuôi riêng.

Empty

Trang trại của ông Thắng có hàng nghìn con cá đủ chủng loại, kích thước, màu sắc

Nói về việc nuôi một số giống cá trong chai lọ, ông Thắng tâm sự: “Vì đặc tính hung hãn của loài cá này nên ngay từ khi bắt đầu lớn, tôi sẽ cho từng con vào những chai, lọ riêng biệt. Điều này được tôi rút kinh nghiệm và học hỏi từ những người đồng nghiệp”.

Để tận dụng chai lọ làm nơi nuôi cá, các loại chai thủy tinh hay nhựa sau khi thu về sẽ được ông cắt bỏ phần cổ chai để thuận tiện cho việc nuôi. Cùng với đó, việc tận dụng vỏ chai, lọ bỏ đi cũng giúp ông tiết kiệm được một khoản chi phí nuôi và quá trình chăm sóc.

Tuy nhiên, khi cá đã trưởng thành chuẩn bị xuất ra thị trường, nhằm giới thiệu với khách hàng ông Thắng sẽ chuyển toàn bộ những con cá nuôi trong các chai lọ cũ ra những lọ thủy tinh mới, có độ trong suốt để giới thiệu và bán cho khách.

Empty

Những chai, lọ thủy tinh được cắt bỏ phần cổ chai để nuôi các loại cá chọi

Empty

Chai nhựa cũng được tận dụng vì dễ dàng thay nước

Về thức ăn cho những loại cá này ông Trần Ngọc Thắng cho biết, thức ăn cho cá rất đơn giản, đó là cám hay thủy trần được ông bắt ở các ao hồ xung quanh. Ngoài ra, để có đủ lượng thức ăn cho cá, ông Thắng còn lặn lội sang khu vực Gia Lâm để tự tay vớt thức ăn. Với cách làm này, mỗi ngày ông tiết kiệm được khoảng 300.000 đồng – 500.000 đồng tiền thức ăn cho cá.

“Gần 20 năm nay, sáng nào tôi cũng dậy từ 5 giờ đi vớt thủy trần, rồi về cho cá ăn, nhờ thế cá vừa có thể sinh trưởng tốt, vừa tiết kiệm được một khoản chi phí mua thức ăn”, ông Thắng cho hay.

Mỗi năm, có 2 vụ cá giống, nhờ thời tiết thuận lợi và chăm sóc cá cẩn thận, mỗi một vụ trại cá cảnh của ông Thắng cho ra thị trường hàng nghìn con. Trừ chi phí, gia đình lão nông này thu lời hàng trăm triệu đồng.

Empty
Empty

Cá trưởng thành được chuyển sang bình thủy tinh để khách đến mua

Bao nhiêu năm nay nhờ cách nuôi cá đặc biệt đó nhiều người đã quan tâm đến các loại cá ông Thắng nuôi và được các thương lái, cửa hàng cá cảnh ở nhiều nơi đặt mua. Nhiều người chơi cá cảnh chuyên nghiệp còn tìm đến tận nơi để chọn cho mình những chú cá ưng ý.

Với nhu cầu thị trường ngày càng tăng, để đáp ứng sở thích của dân chơi cá, ông Trần Ngọc Thắng dự định sẽ mở rộng thêm trang trại của mình và nhập thêm nhiều giống cá từ nước ngoài.