Kỹ thuật sản xuất khoai lang trên đất hai lúa vụ đông 2018

Hiện nay các địa phương đang chuẩn bị thu hoạch lúa mùa và thời vụ trồng cây vụ đông đã đến gần. Để trồng khoai lang vụ đông trên đất 2 lúa đạt được tối đa diện tích, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, bà con cần nắm vững kỹ thuật như sau:

ĐẶC ĐIỂM GIỐNG

Các giống khoai lang đang sản xuất phổ biến và có triển vọng, phù hợp với sản xuất vụ đông: Hoàng Long, KL20-209…

Giống khoai lang Hoàng Long:

– Thời gian sinh trưởng 95 – 100 ngày. Thân có màu tím đỏ, gân lá và mặt dưới lá tím, lá hình tim.

– Năng suất trung bình 280 – 350 kg/sào. Vỏ củ màu hồng nhạt, ruột vàng đậm, bở trung bình, độ ngọt khá.

Giống khoai lang KL20-209:

– Thời gian sinh trưởng 100 – 110 ngày. Thân to mập, khả năng sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh khá….

– Dạng củ dài, vỏ mầu đỏ, ruột mầu vàng, chất lượng ngon, thích hợp ăn tươi và chế biến. Năng suất trung bình 500 – 600 kg/sào.

CHUẨN BỊ GIỐNG

Giống nhân bằng dây:

– Dây giống được gơ từ 45 – 75 ngày tuổi, thân dây to, mập, cắt đoạn dây 1 và đoạn 2, dài 25 – 30 cm, lá xanh khỏe, đốt ngắn, đoạn dây giống chưa có rễ, không có hoa và không bị sâu bệnh.

– Dây giống cắt vào buổi chiều, rải mỏng dây nơi thoáng mát một ngày trước khi trồng.

Dây giống nhân bằng củ:

Chọn củ giống:

Nên chọn khóm khoai lang từ vụ đông năm trước có củ nhiều, đều, hình dáng đẹp, củ ra tập trung ở một số mắt, năng suất cao, củ bánh tẻ, không bị sâu bệnh để nhân giống.

Bảo quản củ giống:

– Củ giống được chọn, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, không có ánh nắng trực xạ, bảo quản đến khi có mầm đem ra trồng.

– Trước khi trồng, cắt củ giống thành từng khoanh có chiều dầy từ 2,5 – 3cm, sau khi cắt chấm vết cắt vào xi măng và để  2 – 3 ngày cho vết cắt khô và hình thành sẹo mới đem trồng. Khi đặt củ giống, mầm củ hướng lên trên với mật độ 40 x 40 cm, sau đó phủ lớp đất dày 3-5 cm.

Chăm sóc cây giống:

Thường xuyên kiểm tra theo dõi đồng ruộng, xới xáo, làm cỏ kịp thời, tưới nước giữ ẩm. Khi dây dài 35 – 40cm tiến hành cắt dây lần 1 khoảng 20 cm để nhân giống tiếp. Đoạn dây còn lại 3 – 5 đốt, tiếp tục chăm sóc cho đến khi dây dài 35 – 40cm, cắt nhân giống đến khi đủ giống (nên khai thác từ  4 – 5 lần).

Chú ý: Gơ giống trước khi trồng khoảng 2 tháng, cứ 2 – 3 năm nhân giống bằng dây nên nhân giống bằng củ một lần, giống khoai sẽ ổn định, chậm thoái hóa  và cho năng suất cao.

THỜI VỤ

Thời vụ trồng từ ngày 15/9 đến 30/9, trồng càng sớm càng tốt, năng suất càng cao.

CHUẨN BỊ ĐẤT VÀ KỸ THUẬT TRỒNG

Chuẩn bị đất:

– Chọn chân đất thành phần cơ giới nhẹ, chủ động tưới tiêu.

– Đất được làm kỹ, tơi xốp và sạch cỏ dại, làm luống theo chiều nghiêng của ruộng, luống rộng 1,2 – 1,5m (kể cả rãnh), cao 35 – 40cm.

Kỹ thuật trồng:

– Sau khi lên luống hoàn chỉnh, rạch 1 hàng trên đỉnh luống sâu 10 – 15cm, bón lót phân, phủ qua một lớp đất mỏng, sau đó đặt dây.

– Mật độ trồng: 3,5 – 4,0 khóm/m2; 3,8- 4,0 vạn dây/ha (5 – 6 dây/m chiều dài luống, trồng hàng đơn, vùi dây giống giữa và dọc theo luống, nối đuôi nhau và song song với mặt luống, chiều dài ngọn dây trên mặt luống từ 5 – 10 cm (2 đốt), lớp đất lấp dây khoảng 5 cm.

Nếu thời tiết quá khô hanh, cần tưới nước vào rạch trước khi trồng. Sau khi trồng nên tưới thêm nước và vun lại luống.

PHÂN BÓN – CHĂM SÓC

Phân bón:

– Lượng phân bón cho 1sào (360m2):

+ Phân chuồng hoai mục: 300 – 400 kg (hoặc 50 kg/sào phân hữu cơ vi sinh)

+ Phân lân Super:  10 kg

+ Phân đạm Urê:     6 kg

+ Phân kali clorua:  8 kg

– Cách bón:

+ Bón lót: Bón toàn bộ phân chuồng, phân lân và 1/3 lượng đạm, 1/3 lượng Kali.

+ Bón thúc lần 1: Sau trồng 20 – 25 ngày, bón hết lượng đạm còn lại và 1/3 lượng kali, kết hợp làm cỏ và vun nhẹ.

+ Bón thúc lần 2: Sau trồng 40 – 45 ngày, bón hết lượng kali còn lại.

Chăm sóc

– Sau khi trồng 1 tuần, kiểm tra và dặm dây chết để đảm bảo mật độ.

– Sau trồng 20 – 25 ngày: Xới xáo đất, làm sạch cỏ kết hợp bón thúc lần 1

– Sau trồng 40 – 45 ngày: Xới xáo đất, làm sạch cỏ kết hợp bón thúc lần 2 và vun nhẹ.

– Bấm ngọn: Khi dây dài 35 – 40 cm tiến hành bấm ngọn, chừa lại 4 – 5 mắt để hạn chế thân chính vươn dài, kích thích phân nhánh sớm. Vun xới cao luống và phủ đất kín gốc để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển củ và phòng tránh bọ hà đẻ trứng.

– Nhấc dây: Thường xuyên nhấc dây để hạn chế sự phát triển của rễ phụ, nhấc nhẹ nhàng và đặt lại đúng vị trí cũ.

Tưới nước:

– Sau các đợt vun xới khoảng 2 – 3 ngày cần tưới rãnh ngập 1/3 luống sau 1 đêm rồi tháo cạn nước để bảo đảm độ ẩm cần thiết và hạn chế bọ hà gây hại.

– Trong quá trình phình củ (khoảng 60 – 75 ngày) luôn cần đủ ẩm cho quá trình phát triển củ.

PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của sâu bệnh. Chỉ sử dụng thuốc phòng trừ khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao.

Một số đối tượng sâu bệnh chính thường hại khoai lang như:

–  Bọ Hà (sùng Hà): Gây hại trên cây và củ, chủ yếu là gây hại trên củ.

Biện pháp phòng trừ: Vun cao, kín gốc, giữ ẩm thường xuyên để hạn chế bọ Hà đẻ trứng. Dùng thuốc Vibasu 10H rắc vào rạch trước khi trồng hoặc rắc sau khi trồng 45 – 50 ngày với lượng 27 kg/ha.

–  Bệnh ghẻ: Bệnh hại trên thân, lá cây khoai lang. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết nóng ấm và khô, bệnh lây lan rất nhanh nếu gặp thời tiết thuận lợi. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời và nhổ bỏ cây bệnh.

* Chú ý: Sử dụng các loại thuốc BVTV, tuân thủ theo hướng dẫn về liều lượng và nồng độ theo khuyến cáo ghi trên bao bì. Phun thuốc tiến hành vào lúc trời nắng nhẹ, không mưa (chiều mát hoặc sáng sớm).

THU HOẠCH – BẢO QUẢN

– Khi cây khoai lang có biểu hiện ở các lá phần gốc ngả màu vàng, kiểm tra thấy vỏ củ nhẵn, ít nhựa thì tiến hành thu hoạch. Thu hoạch vào những ngày khô ráo, không làm tổn thương xây xát, bong vỏ ảnh hưởng đến mẫu mã và làm giảm giá trị sản phẩm.

– Tiến hành cất giữ và bảo quản củ nơi khô ráo, thoáng mát. Thường xuyên kiểm tra để loại bỏ củ thối, hỏng./.