Khoai môn sắp thu hoạch bỗng dưng bị thối củ la liệt

Khoảng hai tháng qua, hàng chục nông dân ở xã Hội An, huyện Chợ Mới (An Giang) đứng ngồi không yên vì ruộng khoai môn sắp thu hoạch bỗng rụi thân, nứt củ rồi thối la liệt.

Từ trung tâm xã An Thạnh Trung chạy dọc theo kênh Rọc Sen đến các ấp An Khương, An Thuận, An Thới… thuộc xã Hội An rất dễ gặp những thửa khoai môn héo úa, chết la liệt mà chẳng thấy bóng người ra thu hoạch.

10-09-32_nong_dn_khoc_rong_vi_khoi_mon_hu_hi_bt_thuong_1

Toàn xã Hội An có gần 30ha khoai môn bị thiệt hại

Ngồi bên quán nước ven đường, anh Trần Phước Đức (44 tuổi, ngụ ấp An Khương) có thâm niên 20 năm trồng khoai môn cho biết: “Vụ này gia đình tui xuống giống 20 công khoai gồm 10 công đất thuê. Giai đoạn đầu khoai phát triển xanh tốt nhưng từ sau hai tháng là bắt đầu bị hư hại. Biểu hiện ban đầu là trắng đọt, tím cọng, lụng đọt, tét đầu củ rồi thúi nhũn. Tính ra vụ khoai này gia đình bị thiệt hại trên 150 triệu đồng”.

Khoai môn là loài cây trồng chủ lực của người dân xã Hội An, bởi giá ổn định và ít tốn công chăm sóc, trồng được với diện tích lớn. Thế nhưng chưa bao giờ bà con cảm thấy chán nản và hoang mang như bây giờ. Để vớt vát lại chi phí, gia đình anh Đức bán toàn bộ ruộng khoai cho thương lái với giá 60 triệu đồng.

“Nông dân trồng khoai ở đây không còn bán ký mà bán đổ đồng cho thương lái với giá mỗi công 1 – 2 triệu đồng, hộ nào khá hơn thì bán được 5 – 10 triệu đồng. Tính ra tổng thiệt hại của cánh đồng này khoảng vài tỷ đồng. Người dân nghi ngờ do phân bón hoặc thuốc BVTV. Bởi ai phát hiện bệnh từ đầu và ngưng sử dụng phân, thuốc thì ruộng không bị lây lan”, anh Đức cho biết thêm.

Trước đây, ruộng của một số nông dân có xảy ra hiện tượng khoai bị trắng thân nhưng chỉ trong thời gian ngắn là xanh tốt lại bình thường. Mỗi công khoai năng suất dao động từ 4 – 6 tấn, trừ các khoản chi phí, bà con còn lợi nhuận từ 30 – 40 triệu đồng. Thế nhưng vụ này hộ nào may mắn chỉ lấy được vốn, không thì mắc nợ.

10-09-32_nong_dn_khoc_rong_vi_khoi_mon_hu_hi_bt_thuong_2

Thân khoai từ xanh chuyển sang tím, kiểm tra phát hiện củ bị nứt nẻ rồi chuyển sang thối

Anh Trần Văn Niềm có 15 công khoai cho biết: "Vụ này tôi bỏ ra chi phí đầu tư 20 triệu đồng/công nhưng bán cho thương lái chỉ được 5 triệu đồng/công, bởi khi  bệnh xảy ra không thể nào can thiệp. Nhiều ruộng khoai bị nặng bán tháo chỉ 2 – 3 triệu đồng. Trên địa bàn xã các ấp có khoai bị thiệt hại nặng nhất là An Khương, An Thuận, An Thới. Những nơi này có diện tích đã thu hoạch chưa được 50%. Không chỉ khoai chưa thu hoạch mà khoai đang bán cũng xảy ra hiện tượng trên".

Dẫn chúng tôi ra ruộng khoai 3 công đã quá ngày thu hoạch, anh Trần Văn Phong chua xót nói: "Khoai trồng 3 tháng là bị nhiễm bệnh, đến nay 90% diện tích bị hư hại. Nhiều lần tui liên hệ với thương lái để bán nhưng họ không dám mua vì sợ khoai thúi. Gia đình chỉ còn cách tự thu hoạch đem ra chợ bán lẻ, mỗi công chỉ thu chưa đầy 1 tấn"…

Theo nhiều nông dân, biểu hiện đầu tiên của những ruộng khoai bị thiệt hại là cây không đâm chồi, từ từ chuyển sang màu tím, sau đó thối từ thân xuống củ, nứt nẻ tứ tung và không thể nào thu hoạch. Điều lạ lùng là có những thửa ruộng gần nhau, sử dụng chung loại thuốc nhưng có chỗ bị bệnh, chỗ không. Người dân nghi ngờ nguyên nhân khoai chết do bón phân hoặc thuốc.

Anh Trần Phước Đức bức xúc nói: "Người dân ở đây nghe cán bộ xã thông báo là dư chất kích thích nhưng lại không giải thích rõ ràng. Điều họ mong muốn là ngành chức năng kiểm tra và chỉ ra loại phân, loại thuốc nào gây ra hiện tượng trên để tránh cho vụ sản xuất tới".

10-09-32_nong_dn_khoc_rong_vi_khoi_mon_hu_hi_bt_thuong_3

Nhiều ruộng chết thúi và thương lái chẳng dám thu mua

Theo thống kê của UBND xã Hội An, toàn xã có 64,2ha khoai môn, trong đó gần 30ha bị hư hại. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Chợ Mới cho biết, trạm đã xuống tận những ruộng khoai môn bị bệnh lấy mẫu gửi về ĐH Cần Thơ. Kết quả phân tích mẫu cho biết nguyên nhân không phải do bệnh mà là dư hàm lượng phân bón lá. Vừa qua, trạm có đi điều tra ở nhiều ấp, cùng một lứa khoai nhưng có ruộng hư, có ruộng tốt. Cây khoai môn bị ngộ độc, nứt củ và dặt dẹo do bà con sử dụng quá nhiều sản phẩm phân bón lá ở giai đoạn đầu làm cây phát triển quá mức dẫn đến hiện tượng nứt củ (?).

Trước những hoang mang của người dân về việc khoai môn bị hư hại bất thường, ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, sẽ chỉ đạo làm rõ và tìm nguyên nhân để giúp bà con ổn định cuộc sống. Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường mở lớp tập huấn ở thời điểm đầu vụ xuống giống để bà con nắm vững kỹ thuật và có biện pháp canh tác tốt hơn, đạt năng suất cao theo ý muốn.

Theo Nông nghiệp