Hồi sinh vùng đất bạc màu thành vựa rau nổi tiếng

Dải đất cát ven biển từng bị hoang hoá nghiêm trọng, nhưng nay đã được hồi sinh trở thành vùng đất trồng rau củ quả sạch nổi tiếng ở Hà Tĩnh.

Vùng đất cát bạc màu ở ven biển xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) trước đây rơi vào tình trạng hoang hóa nghiêm trọng. Mùa nắng như chảo lửa, cây cối khô cằn, cháy rụi; mùa mưa ngập úng nên chỉ có thể bỏ hoang như những bãi sa mạc.

Người dân ở đây còn nói đùa với nhau rằng: “Đất nơi này cỏ còn không mọc nổi huống gì là rau củ”. Thế nhưng gần 10 năm nay, những dải cát trắng được phủ xanh bởi những vườn rau củ tươi tốt quanh năm, trở thành vựa rau củ quả sạch có tiếng.

Hồi sinh vùng đất bạc màu thành vựa rau nổi tiếng ảnh 1

Những luống rau xanh được người dân trồng trên khu vực đất cát bạc màu ở xã Thạch Văn.

Ông Nguyễn Văn Hà (57 tuổi) là một trong những người đi đầu trồng rau trên cát ở thôn Bắc Văn (xã Thạch Văn). Sau nhiều năm đưa vào cải tạo, sản xuất, gia đình ông đã có hơn 1ha diện tích trồng rau củ quả sạch. Mỗi mùa sẽ trồng một loại rau củ khác nhau.

“2 tháng nay tôi đang chăm sóc 300 gốc dưa hấu và 300 gốc dưa lê. Bây giờ dưa lê và dưa hấu đã ra quả, khoảng nửa tháng nữa là đã có thể bán. Trước đây vùng đất này chẳng ai đếm xỉa đến, nhưng người dân đã phục hoá và trồng thành công rau, củ, quả 4 mùa. Mỗi năm gia đình tôi cũng thu nhập từ 50-70 triệu đồng nhờ trồng rau trên đất cát như thế này”, ông Hà nói.

Hồi sinh vùng đất bạc màu thành vựa rau nổi tiếng ảnh 2

Người dân đang thu hoạch rau để mang ra chợ bán.

Kể từ khi mô hình trồng rau trên cát được áp dụng, bà Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi, trú thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn) không còn phải đi làm thuê mà lui về phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương bao đời bỏ hoang.

Nhiều năm qua, hầu như ngày nào cũng có mặt ở luống rau, hôm thì thu hoạch, hôm sẽ gieo hạt. Thu nhập tuy không cao như các ngành nghề khác nhưng mỗi năm cũng thu được từ vài chục đến gần trăm triệu đồng nhờ trồng rau củ quả.

Hồi sinh vùng đất bạc màu thành vựa rau nổi tiếng ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Hà là một trong những hộ dân tiên phong trong làm mô hình trồng rau trên cát.

Trồng rau ở Thạch Văn áp dụng theo mô hình cuốn chiếu, hết cây này chuyển sang cây khác, chọn giống cây thích hợp theo mùa. Trước kia vùng này đã khai thác Titan nên đất bạc màu, chăm sóc rất khó khăn. Những ngày đầu bắt đầu trồng thử nghiệm, cây chết nhiều, chậm phát triển nhưng sau mỗi lần thất bại dân lại đúc rút kinh nghiệm, tưới nước thường xuyên, ủ và bón phân chuồng để tạo độ tơi xốp cho đất. Cứ thế qua thời gian, những mảnh đất hoang hoá nay lại trở nên giá trị.

Hồi sinh vùng đất bạc màu thành vựa rau nổi tiếng ảnh 4

Nhờ áp dụng được khoa học kỹ thuật, người dân đã kiếm bội tiền nhờ trồng rau củ trên dải đất cát bị hoang hoá.

“Ở đây, rau củ thu hoạch quanh năm. Mùa củ cải vừa rồi, nhà tôi thu hoạch được khoảng 2-3 tấn cùng được từ 10-15 triệu đồng. Còn hiện nay đang thu hoạch bí đỏ, ngày nào cũng mang ra chợ 2-3 tạ để bán. Dân làm được, kiếm được tiền trên vùng đất cát này cũng không phải là dễ dàng”, bà Phạm Thị Đồng vui vẻ nói.

Hồi sinh vùng đất bạc màu thành vựa rau nổi tiếng ảnh 5

Mỗi mùa người dân lại thay đổi trồng các loại rau củ quả khác nhau.

Hồi sinh vùng đất bạc màu thành vựa rau nổi tiếng ảnh 6

Vựa rau củ nổi tiếng ở Hà Tĩnh từng là khu vực bị hoang hoá nghiêm trọng.

Ông Dương Văn Thái – Chủ tịch UBND xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà cho biết, bắt đầu từ năm 2014 người dân địa phương cải tạo, sản xuất trồng mô hình rau của quả trên cát. Mô hình trồng rau củ quả trên cát đã hồi sinh vùng đất cát hoang, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra sản phẩm đảm bảo, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/hộ. Đến nay, toàn xã có hơn 13,5ha diện tích sản xuất rau của quả trên cát với khoảng 44 hộ dân tham gia.