Hỗ trợ người nuôi gia cầm bị ảnh hưởng thiên tai

Đắk Lắk là một trong các tỉnh bị ảnh hưởng lớn bởi hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, đặc biệt là mùa khô 2015-2016.

sinhke-dl1154031449

Niềm vui của bà con khi được dự án hỗ trợ kịp thời

Được sự tài trợ của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk triển khai dự án: “Hỗ trợ khôi phục sinh kế của những người chăn nuôi gia cầm và các cộng đồng nông dân nghèo bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn do ảnh hưởng của El Nino gây ra” tại 3 huyện Ea Sup, Cư MGar và Krông Buk, với quy mô 11.700 con gà cho 585 hộ tham gia.

Dự án nhằm mục tiêu giúp các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán giải quyết khó khăn trước mắt, phát triển chăn nuôi gà thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập.

Nâng cao kiến thức chăn nuôi

Công tác lựa chọn địa điểm triển khai mô hình đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến sự thành công và nhân rộng của dự án. Trung tâm khuyến nông Đắk Lắk đã phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện và chính quyền địa phương có các cuộc khảo sát đánh giá tại các địa bàn triển khai; chọn điểm trình diễn thuộc vùng bị ảnh hưởng bởi El Nino.

Lựa chọn các hộ tham gia phải đáp ứng được các tiêu chí và cam kết thực hiện theo đúng yêu cầu của dự án: Là hộ nghèo và cận nghèo, ưu tiên phụ nữ là chủ hộ hoặc phụ nữ đơn thân, gia đình có phụ nữ mang thai hoặc đang có trẻ em dưới 5 tuổi, có người khuyết tật, là người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách xã hội, người ốm kinh niên và người già trên 80 tuổi; Bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán, nhập mặn (nguồn cung lương thực, sinh kế và năng suất nông nghiệp, thiệt hại về số lượng và loại động vật nuôi do hạn hán); Chưa thể phục hồi hoàn toàn từ thiệt hại gây ra bởi hạn hán (so với tình trạng trước hạn hán); Chưa được nhận hoặc được nhận rất ít các viện trợ nhân đạo; Có khả năng (sức lao động) và cam kết sẵn sàng tiếp nhận giống vật tư.

Để nâng cao kiến thức chăn nuôi cho bà con, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu tại địa phương, năm 2018 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk cùng chính quyền địa phương tổ chức 12 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học và thực hành chăn nuôi tốt, kỹ thuật phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, cho 600 nông dân tham gia tại các xã triển khai dự án.

Phương pháp tập huấn lấy người học làm trung tâm, phương pháp thuyết trình có hình ảnh minh họa, phương pháp thảo luận nhóm, chú trọng thực hành theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, tập huấn có sự tham gia kết hợp thực hành.

Hỗ trợ kịp thời, đạt kết quả cao

Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk đã phối hợp với Tổ chức FAO, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trạm Khuyến nông cùng chính quyền địa phương tại các huyện thuộc vùng dự án chuyển giao 11.700 con gà giống, 23.400 kg thức ăn hỗn hợp (20 con gà và 40 kg thức ăn hỗn hợp/hộ), cấp phát 22.000 liều vacxin phòng bệnh Niu-cát-xơn và 22.000 liều vacxin cúm gia cầm cho các hộ tham gia.

Kết quả cho thấy, mô hình có chi phí đầu tư thấp, dễ học hỏi kỹ thuật, tận dụng được lao động phụ, quay vòng vốn nhanh; giống gà lai ri có sức đề kháng tốt, có khả năng thích ứng với điều kiện nuôi thả tại địa phương, dễ tiêu thụ, giá bán ổn định.

Sau 3 tháng nuôi, gà có trọng lượng bình quân 1,77 kg/con, tỷ lệ nuôi sống đạt 92,37%. Từ đàn gà của dự án hỗ trợ, có 6.475 con gà được bà con tiêu thụ để cải thiện cuộc sống và tăng thu nhập, 4.401 con gà được bà con giữ lại nuôi sinh sản để nhân đàn, phát triển sản xuất chăn nuôi.

Dự án được triển khai tại các địa phương chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino có tác động tích cực đối với phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế và tăng thu nhập cho bà con, từ đó hạn chế việc chặt phá rừng làm nương rẫy, bảo vệ môi trường.

Về mặt xã hội, dự án triển khai phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh, đáp ứng nguyện vọng của người chăn nuôi và được bà con hưởng ứng tích cực. Dự án không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng trong việc phát triển chăn nuôi gà mà còn thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông không có quản lý, không kiểm soát được dịch bệnh chuyển sang chăn nuôi có quy mô, có quản lý và kiểm soát được các yếu tố lây lan mầm bệnh, biết cách xây dựng chuồng nuôi theo kỹ thuật…