Doanh nghiệp kêu trời khi đầu tư vào tỉnh nghèo Quảng Trị

Là tỉnh nghèo nên việc thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài được xem là đòn bẩy giúp Quảng Trị phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với những cú “lật kèo” mang tính bất thường của các cấp chính quyền tại địa phương này, thì các DN đầu tư chỉ còn nước… chạy mất dép.

Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao với số vốn 37 triệu USD tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho hàng trăm hộ dân đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Tuy nhiên hơn 3 năm qua, lộ trình phát triển dự án bị chững lại vì không được giao đất rừng theo quy định.  

Một thửa đất, 2 lần đền bù chưa xong

Năm 2014, dự án trồng cây Mắc ca trên địa bàn huyện Hướng Hóa của Cty TNHH My Anh – Khe Sanh bằng 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được khởi động với tổng vốn đầu tư khoảng 37 triệu USD. Theo lộ trình, dự án trồng cây Mắc ca trên diện tích 1.500ha sẽ thực hiện giai đoạn 1 khoảng 649 ha tại địa bàn xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, dự kiến thực hiện mùa mưa năm 2015.

15-19-34_20170621_175329

Trâu bò phá hoại hầu hết diện tích Mắc ca

Nhằm đảm bảo lộ trình này, phía Cty tích cực phối hợp với đơn vị liên quan, tạo nhiều ưu đãi cho người dân trong công tác đền bù đất, tài sản trên đất, hỗ trợ GPMB. Tuy nhiên, một thực tế khó hiểu, dù đã hoàn thành công tác đền bù GPMB, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 587,2 ha (Theo Quyết định số 2271/QĐ-UBND ngày 27/10/2014, UBND tỉnh Quảng Trị giao cho Cty thuê đất với diện tích 649 ha (sau đó là 587,2 ha do thu hồi lại 61,8 ha) nhưng khi xác định ranh giới, đo đạc diện tích thì phát hiện đất thực tế chỉ có 400 ha.

Ông Huỳnh Văn Trí, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH My Anh- Khe Sanh bức xúc: “Qua tìm hiểu mới biết, trên diện tích đất, tài sản trên đất mà chúng tôi đã đền bù lại thuộc sở hữu của tập thể, cá nhân khác ở ngoài danh sách hộ dân được đền bù theo quyết định thu hồi đất của UBND huyện Hướng Hóa, nên phát sinh tranh chấp. Đến nay, Cty vẫn chưa được UBND huyện Hướng Hóa bàn giao diện tích đất còn lại trên thực địa”. 

Nguyên nhân được xác định là do các cơ quan chuyên môn của huyện Hướng Hóa lập hồ sơ quy chủ sai đối tượng. Tài sản trên đất là của người dân thôn Prô và bản Mới nhưng quy chủ cho các hộ dân xã Tân Hợp đã được Cty bồi thường, hỗ trợ GPMB từ năm 2015.

Báo cáo số 15/BC-TNMT ngày 10/5/2016 của Phòng TN&MT huyện Hướng Hóa nêu rõ: “Đối với phần diện tích 78 ha đang có cây trồng của các hộ dân thôn Prô, xã Hướng Tân và một phần diện tích của bản Mới, xã Đakrông do quá trình giao đất cho các hộ dân thôn Lương Lễ và thôn Tà Đủ, xã Tân Hợp thực hiện dự án trồng cây lâm nghiệp, các hộ dân được giao đất do điều kiện giao thông đi lại khó khăn nên chưa triển khai thực hiện dẫn đến tình trạng phát sinh vướng mắc với các hộ dân ở thôn Prô, xã Hướng Tân và bản Mới, xã Đakrông như hiện nay”.

Vậy thì chiếu theo Luật Đất đai, sau 12 tháng kể từ ngày giao đất nếu không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì phải thu hồi. Vì thế phải khẳng định UBND huyện Hướng Hóa đã có thiếu sót trong việc buông lỏng công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn. Mặt khác sau khi đã phát hiện vướng mắc về tranh chấp đất đai giữa chủ đất và người xâm canh, tại sao UBND huyện vẫn lập hồ sơ đền bù cho các hộ dân không sử dụng đất? Việc nhập nhằng giữa đất và tài sản trên đất dẫn đến việc Cty phải đền bù phần tài sản 2 lần trên cùng một diện tích đất cho các hộ dân.

Chưa dừng lại ở việc đền bù, hỗ trợ 2 lần trên 1 diện tích đất khiến DN thiệt hại không đáng có mà vẫn chưa được giao đất, gần đây, DN lại gặp rắc rối khác khi số hộ tranh chấp tăng lên và yêu cầu được đền bù.

Theo Báo cáo số 184/BC-UBND ngày 8/8/2016 của UBND huyện Hướng Hóa xác định tại thôn Prô có 12 hộ xâm canh với diện tích 30,6 ha (thực tế là 73,89 ha-theo số liệu do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện cung cấp), Cty đã hoàn thành chi trả bồi thường vào ngày 8/8/2016. Nhưng sau khi được bồi thường có 13 hộ dân tại thôn Prô tiếp tục tranh chấp.

Lý giải về nguyên nhân xảy ra tranh chấp, UBND huyện Hướng Hóa xác định là do các hộ dân ở thôn Prô thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên tại cuộc họp ngày 17/10/2016, Phòng TN&MT huyện lại khẳng định có 13 hộ dân tại thôn Prô chưa được kiểm kê tài sản và đề nghị tiếp tục được kiểm kê bồi thường. Vậy 13 hộ dân phát sinh đòi đền bù hỗ trợ là ở đâu ra và liệu có thỏa đáng? (Hiện tại phát sinh kiểm kê, đền bù 14 hộ tại bản Prô chứ không phải như 13 hộ, phát sinh thêm 4 hộ tại thôn Tà Đủ – xã Tân Hợp và 1 hộ tại Bản Mới – Đakrông).  

Kêu cứu đến tận Đại sứ quán

Quá bức xúc, cuối tháng 11/2016, ông Huỳnh Văn Trí (đang định cư tại Australia) trở về Việt Nam đã gửi đơn kêu cứu đến Đại sứ quán Australia tại Việt Nam nhờ can thiệp giải quyết các vướng mắc trong giao đất thực hiện dự án trồng và phát triển cây Mắc ca trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Theo ông Trí, trước đó Cty ông đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Hướng Hóa và UBND tỉnh nhờ quan tâm chỉ đạo giải quyết vụ việc, sau đó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính đã ra quyết định yêu cầu UBND huyện Hướng Hóa và các ngành chức năng phải tập trung giải quyết.

Những điều khiến DN bức xúc là họ được giao không đủ diện tích đất nhưng lại gặp vướng mắc trong kiểm kê đền bù; người dân địa phương thì luôn cản trở quá trình khai hoang nên làm chậm tiến độ dự án. Vậy nguyên nhân tại sao?

Một số cây Mắc ca chưa bị phá hoại phát triển rất tốt

Theo tìm hiểu của PV, trước hết là do UBND huyện Hướng Hóa đã buông lỏng việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp đã giao cho người dân trong nhiều năm qua; thiếu việc kiểm tra, rà soát và thu hồi để ổn định quỹ đất trên địa bàn. Tiếp đến là sự thiếu trách nhiệm của bộ phận kê khai, áp giá đền bù. Cụ thể là không tiến hành phân loại, thống nhất đối tượng được đền bù (quy chủ sai đối tượng, đền bù sai đối tượng) dẫn đến việc đền bù nhiều lần gây thiệt hại cho DN và vẫn chưa giao đủ đất cho DN.

Ở nội dung này, nếu UBND huyện và các phòng, ban làm việc công tâm, đúng luật pháp là tiến hành thu hồi toàn bộ diện tích đất của các hộ ở thôn Lương Lễ, Tà Đủ (xã Tân Hợp) vì đã không đưa vào sử dụng đất đúng mục đích ban đầu theo Luật Đất đai. Sau đó tiến hành kiểm kê tài sản trên đất (là của các hộ ở thôn Prô, xã Hướng Tân và bản Mới, Đakrông đã xâm canh trồng cây) để Cty đền bù. Nếu làm vậy thì Cty sẽ không phải đền bù nhiều lần và hạn chế được những tranh chấp phát sinh (đôi khi là những đòi hỏi không có cơ sở của người dân). 

Những bất cập, thiếu sót trong quá trình giao đất dự án trồng cây Mắc ca ở Hướng Hóa như đã phân tích đã gây ra những thiệt hại về tài chính cho DN. Hiện nay với diện tích khoảng 400 ha đã được giao, Cty đã hoàn thành việc trồng cây, diện tích còn lại vẫn chưa được UBND huyện Hướng Hóa bàn giao cho DN do phát sinh tranh chấp 14 hộ dân ở Bản Pro (xã Hướng Tân), tiếp tục phát sinh 4 hộ dân ở thôn Tà Đủ (xã Tân Hợp) và 1 hộ dân Bản Mới (xã Đakrông) chưa được giải quyết. Việc không bàn giao đủ đất đã làm cho hàng ngàn cây giống của DN phải bỏ đi.

Ông Trí cho biết, số cây giống này bị vứt bỏ (công ty phải ươm lại giống mới) thiệt hại về kinh tế là rất lớn nhưng vẫn chưa giao đủ đất để trồng và có nguy cơ tiếp tục phải vứt bỏ, gần 100 lao động địa phương với mức lương từ 4,5- 6 triệu đồng/người/ tháng sẽ thiếu việc làm vì Cty không có đất trồng cây.

“Hiện nay tổng nguồn vốn đầu tư của dự án mà công ty đã đầu tư gần 200 tỷ đồng”, ông Huỳnh Văn Trí tiết lộ với vẻ mặt đầy âu lo trước tiến độ và tình hình bế tắc của dự án.

Hiện nay, tình trạng trâu, bò của người dân phá hoại cây trồng của Cty rất nghiêm trọng. Diện tích cây trồng bị trâu, bò phá hoại đến hiện tại khoảng gần 300 ha, ước tính giá trị thiệt hại khoảng trên 30 tỷ đồng. Việc người dân cố tình thả rong trâu, bò phá hoại cây trồng của Cty là do UBND huyện Hướng Hóa chưa giải quyết cấp đất (2ha/hộ) cho các hộ dân theo cam kết của huyện, mặc dù đã được UBND tỉnh chỉ đạo rất nhiều lần và UBND huyện Hướng Hóa cam kết đến 15/7/2017 giải quyết dứt điểm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Theo Nông nghiệp