COVID-19 khiến người nuôi tôm hùm lao đao

Không xuất khẩu được sang Trung Quốc, người nuôi tôm hùm lao đao vì giá rẻ, không có nơi tiêu thụ. Nhiều chuỗi thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã thu mua hỗ trợ nông dân.

Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình (Khánh Hòa)cho biết, toàn xã Cam Bình vẫn đang nuôi cầm chừng vì hơn 100 tấn đến thời điểm xuất chưa được thương lái thu mua dù giá chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/kg, tôm hùm baby khoảng 500.000 đồng một kg, mức giá thấp nhất ba năm qua. Tôm hùm trước đây 70% là xuất đi Trung Quốc nên hiện tại tôm đã đến kỳ thu hoạch nhưng không biết bán cho ai? Theo ông Ân chỉ khi nào các doanh nghiệp được xuất khẩu trở lại mới giải quyết căn bản khó khăn.

Tại Sông Cầu (Phú Yên), nơi có khoảng 70.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, trong đó gần 10.000 lồng nuôi tôm đã đến kỳ xuất bán nhưng không có thương lái mua. Để giảm chi phí, một số hộ đã bớt khẩu phần ăn của tôm còn khoảng 40 – 60% so với trước và nuôi thêm hàu để cho tôm ăn nhằm giảm chi phí. Người dân đành tiếp tục nuôi đàn tôm quá lứa.

Ảnh minh họa

Theo các thương lái chuyên xuất khẩu tôm hùm đi Trung Quốc cho biết, từ trước Tết mặt hàng này đã khó tiêu thụ vì phía Trung Quốc giảm thu mua. Nhưng nay khi dịch COVID-19 lên cao, họ đã ngưng hẳn.

Để hỗ trợ người nuôi tôm hùm, nhiều chuỗi cửa hàng hải sản đã tích cực thu mua. Tại Hà Nội, chuỗi cửa hàng thực phẩm Sói Biển thu mua theo số lượng đơn đặt hàng và hỗ trợ người dân với mức giá bằng và cao hơn thị trường. Sau đó, hàng được bán ra với giá hấp dẫn cho người tiêu dùng để kích cầu tiêu thụ. Sau 7 ngày thực hiện, lượng hàng bán ra đạt trên 1 tấn và đang tăng theo ngày; Chuỗi cửa hàng Đảo Hải Sản ở TP Hồ Chí Minh cũng chung tay hỗ trợ tiêu thụ tôm hùm. Trong 5 ngày, cửa hàng đã bán được gần nửa tấn tôm hùm. Tại đây, tôm hùm baby thay vì bán 1,2 triệu đồng được bán chỉ 750.000 đồng/kg (loại 200 – 300 gram/con). Với loại 3 con/kg, giá chỉ 900.000 đồng, giảm 27% so với tuần trước đó.

Theo các chuyên gia, trước mắt, người nuôi cần tập trung các biện pháp để lưu giữ, chăm sóc tốt và bám sát thị trường để xuất bán vào thời điểm thích hợp. Các địa phương cần có chỉ đạo và định hướng cụ thể, đồng thời huy động doanh nghiệp hỗ trợ xúc tiến thu mua.