Bộ Công Thương vào cuộc, giải cứu thịt lợn tồn đọng trong dân

Lãnh đạo bộ Công Thương vừa chỉ ra hàng loạt nguyên nhân cốt lõi dẫn đến giá thịt lợn hơi rớt giá và đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết lượng thịt tồn đọng.

Nhiều bộ ngành, doanh nghiệp đang chung tay giải cứu thịt lợn hơi rớt giá.

Mới đây, người đứng đầu ngành Công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn, tiếp tục tìm các giải pháp cấp bách và lâu dài để tháo gỡ câu chuyện đầu ra và giải bài toán lợn hơi rớt giá.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: “Giải cứu đàn lợn tồn trong dân là việc làm cấp bách. Khi hàng nghìn hộ dân điêu đứng vì giá lợn hơi giảm, lượng thịt lợn tồn không có đầu ra thì đây không còn là vấn đề riêng của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nữa mà cần có sự chung tay của tất cả các bộ ngành, trong đó có bộ Công Thương. Do vậy, tôi mong các đồng chí cần vào cuộc một cách có trách nhiệm, sốt sắng để tìm các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài”.

Cuộc họp cũng chỉ ra nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khiến nguồn cung thịt lợn nội địa vượt quá nhu cầu trong nước.

Vấn đề quy hoạch ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Mặt hàng lợn thịt được chăn nuôi khá phân tán, quy mô nhỏ lẻ nên tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương (cá nhân) mua gom và tự giết mổ bán cho các tiểu thương tại các chợ.

Hầu hết các hộ chăn nuôi đều chăn nuôi không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nên khi nguồn cung dư thừa rất khó để kết nối tiêu thụ vào các kênh lớn như các doanh nghiệp chế biến, giết mổ tập trung và các siêu thị.

Thịt lợn hơi rớt giá kỷ lục trong 10 năm qua khiến người chăn nuôi điêu đứng.

Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp trước mắt nhằm giải cứu lợn hơi rớt giá: Sẽ chỉ đạo sở CôngThương phối hợp với sở NN&PTNN các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp và các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường.

Bộ chỉ đạo các sở Công thương kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý.

Bộ xem xét việc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh thịt lợn tăng lượng thu mua và trữ đông thịt lợn chăn nuôi trong nước và phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác truyền thông khi các doanh nghiệp tăng thu mua lợn thịt trên thị trường để tạo định hướng cho thị trường.

Ngoài ra, bộ Công Thương cũng sẽ đề nghị bộ NN&PTNT quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên vật nuôi, nhanh chóng công bố hết dịch; tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các doanh nghiệp thu mua chế biến lớn trong nước và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu để phối hợp, hỗ trợ cho bộ Công Thương trong việc đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Bộ cũng chỉ đạo hoạt động sản xuất chăn nuôi phải gắn với thị trường tiêu thụ; tăng cường gắn kết thông qua hợp đồng giữa sản xuất và các doanh nghiệp chế biến, phân phối; phối hợp với bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường xuất khẩu cho lợn sống, lợn sữa, thịt lợn đông lạnh Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, Philippines, Singapore…

Theo Người đưa tin