Bình Phước: 9X làm giàu vườn trong lung tung

Được giao quản lý, chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình, anh Nguyễn Hoài Nam, sinh năm 1990, thôn An Lương, xã Long Giang, thị xã Phước Long (tỉnh tỉnh Bình Phước) đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Nhờ đó, gần 1 ha cây ăn trái gồm: bưởi, mận, ổi, quýt đường của gia đình anh Nam phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao.

Có duyên với cây ăn trái

Từ tỉnh Đồng Nai, gia đình anh Nam đến Bình Phước sinh sống từ năm 2000 và sang nhượng lại 2 sào đất trồng xoài cùng rau màu như: đậu đũa, khổ qua, dưa leo để lấy ngắn nuôi dài. Đến năm 2002, UBND xã Long Giang cấp thêm 7 sào đất cho gia đình anh theo diện hộ thiếu đất sản xuất.

Diện tích đất này được gia đình anh Nam trồng xoài ghép; sau 3 năm thu hoạch vụ xoài đầu tiên và cho thu nhập ổn định. Từ năm 2006 đến nay, gia đình anh trồng xen thêm quýt đường, mận không hạt, bưởi da xanh, ổi lê Đài Loan.

sieu sao: co 1 ha vuon trong

Từ 1.400 cây ổi lê Đài Loan, gia đình anh Nguyễn Hoài Nam thu 120 triệu đồng mỗi năm

Khi các loại cây này cho thu bói, gia đình anh Nam chặt bỏ cây xoài kém hiệu quả kinh tế. Đến nay, gia đình anh có gần 1 ha cây ăn trái, trong đó 200 cây bưởi, 300 cây mận, 1.400 cây ổi và 40 cây quýt đường.

Anh Nam chia sẻ: “Để có được vườn cây ăn trái này, gia đình tôi phải dày công chăm sóc và tìm hiểu trồng xen canh phù hợp nhiều loại cây. Mỗi lần chuyển đổi cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Nhưng nhờ sự kiên trì, chịu khó tìm tòi học hỏi nên đến nay vườn cây ăn trái của gia đình đã thành công”.

Từ ngày được gia đình giao quản lý và chăm sóc vườn cây, anh Nam đã lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, lập bảng biểu trên máy tính về lịch trình phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân.

Anh Nam cho biết: “Lập bảng biểu sẽ giúp tôi nhớ được ngày nào bón phân, ngày nào phun thuốc bảo vệ thực vật. Loại phân, thuốc sử dụng như thế nào, liều lượng ra sao sẽ được thể hiện rõ trên bảng biểu…”.

Theo 9X Nguyễn Hoài Nam, trong quá trình chăm sóc nếu phát hiện cây có biểu hiện bất thường ở lá, ngọn, thân, hoa, trái thì nhìn vào lịch bón phân, phun thuốc để tìm hiểu nguyên nhân của bệnh. Từ đó, anh sẽ điều chỉnh lượng phân bón, chọn loại thuốc thích hợp cây trồng…

Thu lời mỗi năm 1,5 tỷ đồng

Do vườn cây trồng xen canh nhiều loại cây an trái mà nhiều người gọi là trồng “lung tung” nên anh Nam luôn chú trọng khâu chăm sóc. Mỗi loại cây trồng đều có đặc tính sinh trưởng khác nhau nên chế độ dinh dưỡng cũng khác.

Anh Nam phân tích, như ổi lê Đài Loan, muốn trái vừa ngọt, giòn thì từ khi ra bông đến lúc thu hoạch cần bón các loại phân phù hợp để trái lớn đều, da căng, màu sắc bắt mắt…Khi trái còn non phải cắt đọt những cành nhỏ để cây tập trung nuôi trái.

Ngoài cây ăn trái, anh Nguyễn Hoài Nam còn chiết cây giống như bưởi, ổi, chanh đào bán cho người dân quanh vùng. Hiện gia đình anh Nam có khoảng 2.000 cây giống bưởi da xanh (giá từ 40-60 ngàn đồng/cây), 200 cây giống chanh đào (40 ngàn đồng/cây), 400 cây giống ổi lê Đài Loan ruột trắng và ruột đỏ (20 ngàn đồng/cây). Với mô hình vừa trồng vừa cung cấp các loại giống cây ăn trái, trung bình 1 năm gia đình anh Nam thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Với 200 cây bưởi da xanh, anh Nam cho ra trái quanh năm, tức trên cây luôn có bưởi chín để thu hoạch. Anh Nam cho biết: “Mới đầu thử nghiệm để cây bưởi ra trái 4 mùa tôi đã thất bại nhiều lần. Rút kinh nghiệm tôi tự mày mò, điều chỉnh liều lượng để có công thức sử dụng bón phân và thuốc bảo vệ thực vật với tỷ lệ phù hợp giúp cây ra trái và chín quanh năm nhưng vẫn giữ được độ ngọt, mọng nước, cây phát triển tốt…”.

Anh Nam cho hay, hiện vườn bưởi da xanh cho thu khoảng 40 tấn trái/năm, bán giá từ 40-50 ngàn đồng/kg bưởi loại 1. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, anh Nam có hệ thống cung cấp riêng và thành lập trang web bán bưởi online, nhận ship hàng cho khách mua từ 2 trái trở lên trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

Mỗi tháng, anh Nam bán online khoảng 1 tấn bưởi da xanh. Như vậy, 1 năm từ vườn bưởi gia đình anh thu lời khoảng 1,2 tỷ đồng.