Bệnh vàng lá gân xanh ở cam và biện pháp phòng trừ

Hiện nay, tại vùng cam Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, người trồng cam đang rất lo lắng khi nhìn thấy ngay tại vườn cam nhà mình cây cam vàng lá, quả đang non chưa đến ngày thu hoạch mà cả lá và quả đã rụng đầy gốc.

Vậy, cây cam bị bệnh gì và vì sao bệnh này ngày càng phát triển mạnh gây ảnh hưởng lớn đến người sản xuất.

Quan sát kỹ từng cây cam bị bệnh, ta sẽ thấy có những triệu chứng sau: trên lá bị bệnh, phiến lá hẹp, lá nhỏ hơn, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, lá có màu vàng, gân chính ở giữa lá và các đường gân phụ có màu xanh, nên có tên gọi là bệnh vàng lá gân xanh phổ biến trên cây cam quýt. Tên khoa học là bệnh greening.

Những cây cam quýt bị bệnh greening vào giai đoạn nặng, đào gốc lên sẽ thấy rễ cây bị thối, đa phần rễ tơ bị mất dần, chỉ còn lại rễ chính, thậm chí rễ chính cũng bị thối. Những triệu chứng nói trên xuất hiện trên từng cành, từng cây trong vườn cam.

Nguyên nhân gây bệnh vàng lá gân xanh ở cam quýt greening là do chủng vi khuẩn Candidatus loài Liberibacter Asiaticus (las) Châu Á gây ra. Vi khuẩn này tấn công vào mạch dẫn của cây rồi bệnh được lây lan do rầy chổng cánh truyền vi khuẩn từ cây bị bệnh sang cây chưa bị bệnh và từ đây lây qua mắt ghép khi ta nhân giống. Loại bệnh này cho đến nay chưa có thuốc đặc trị phòng trừ có hiệu quả.

Do chưa có thuốc đặc trị loại bệnh này, vì vậy để khắc phục và hạn chế bệnh vàng lá gân xanh greening ở cây cam, chúng ta cần làm tốt mấy biện pháp sau:

– Trồng cây khỏe, cây sạch bệnh, tuyệt đối không dùng vườn cam đã có cây bị bệnh để nhân giống, kể cả bằng phương pháp chiết cành và phương pháp lấy mắt để ghép.

– Chặt bỏ những cây cam đã bị bệnh đem tiêu hủy ngăn không cho lây lan bệnh sang cây khác.

– Những vườn cam đã bị bệnh nặng, mạnh dạn xóa bỏ để vừa cải tạo lại đất, vừa vệ sinh đồng ruộng và tiếp tục trồng các loại cây ngắn ngày trong thời gian 1-3 năm, tốt nhất là trồng các loại cây họ đậu, sau đó trồng lại cam.

– Trồng cây chắn gió quanh vườn cam bằng các cây: xoài, dâm bụt hoặc trồng xen ổi nhằm hạn chế rầy chổng cánh vào truyền bệnh.

– Tạo tán, tỉa cành để vườn cam thoáng, hạn chế giao tán các cành giữa cây này với cây khác.

– Bón phân đủ, bón cân đối đạm, lân, kali. Hạn chế bón đạm quá nhiều dễ làm cho cây cam ra lộc non nhiều, tạo cơ hội cho rầy chổng cánh tụ tập để đẻ trứng, phá hoại và truyền bệnh lây lan ra diện rộng.

– Thường xuyên thăm vườn cam, phát hiện có con rầy chổng cánh, lập tức phun thuốc phòng trừ ngay bằng các loại thuốc: Trebon 0,15 – 0,02%, Sherpa 0,1 – 0,2%, Sherzol 0,1.

– 0,2%, Bassa, Confidor… phun từ 500 – 600 lít nước thuốc đã pha cho 1 ha (1 sào 25-30 lít nước thuốc).

– Về mặt quản lý nhà nước, ngành nông nghiệp tỉnh và các huyện, thành, thị phải thường xuyên kiểm tra các cơ sở nhân giống cam có đảm bảo các tiêu chuẩn nhân và sản xuất giống cam sạch bệnh không. Nếu không đảm bảo phải đình chỉ ngay và cần thiết phải xử lý hành chính theo luật giống cây trồng đã quy định.