9X Thanh Hoá mặc kệ can ngăn, lên núi khởi nghiệp kiếm vài trăm triệu mỗi tháng

Tốt nghiệp hệ chuyên ngành kỹ sư công nghệ thông tin nhưng với niềm đam mê về kinh doanh nên anh Phạm Văn Trường đã quyết định lên vùng cao khởi nghiệp.

Sau những thách thức khó khăn đã trải qua, 9X Thanh Hóa hiện đang bắt đầu có doanh thu cả trăm triệu đồng mỗi tháng từ niềm đam mê của mình.

Mặc kệ can ngăn lên núi khởi nghiệp, 9X Thanh Hoá kiếm vài trăm triệu mỗi tháng

Anh Trường cho biết đã từ bỏ công việc ổn định ở một tập đoàn lớn để bước vào khởi nghiệp theo hướng sản xuất sạch

Anh Phạm Văn Trường sinh năm 1993 quê Thanh Hóa từng tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư công nghệ thông tin hệ kỹ sư tài năng trường Bách khoa năm 2016. Tuy nhiên, với niềm đam mê kinh doanh nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường 9X quê Thanh Hóa đã bắt đầu khởi nghiệp.

Theo đó, năm 2013, chàng trai trẻ bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực du lịch bằng việc kết nối với các đơn vị lữ hành tổ chức tour trải nghiệm cho những sinh viên có đam mê khám phá thiên nhiên và các vùng đất mới.

Sau những trải nghiệm học hỏi và tích lũy được trong lần khởi nghiệp đầu tiên đến năm 2017 chàng trai trẻ mở rộng hoạt động kinh doanh của mình bằng việc tìm đầu mối nhập Sâm mầm Saponia để phân phối, bán lại. Anh cho biết, đây là một loại sâm quý có nguồn gốc từ Hàn Quốc nhưng được trồng nhiều tại Đà Lạt – Lâm Đồng.

Được đi nhiều nơi, khám phá những vùng đất mới, năm 2019 anh Trường có một quyết định bất ngờ khi bỏ công việc ổn định ở một tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam để đầu tư vào khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất với sản phẩm là trà shan tuyết cổ. 9X quê Thanh Hóa chia sẻ đưa ra quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực này sau một lần được thưởng thức trà shan Tuyết cổ thụ bên Trung Quốc.

Qua tìm hiểu thông tin trên mạng internet, anh thấy rằng đây là một loại trà rất đắt tiền và cũng được rất nhiều gia đình có điều kiện lùng mua. Trong khi đó, ở Việt Nam cũng có giống trà quý hiếm này. Nhiều cây trà shan tuyết cổ thụ ở nước ta có tuổi đời hàng trăm năm, chứa nhiều dược tính quý báu nhưng chưa được khai thác, xây dựng thương hiệu để phát triển trở thành một đặc sản vùng miền.

Với lần khởi nghiệp này, anh Trường đã dồn toàn bộ số tiền 800 triệu đồng tích góp được sau nhiều năm kinh doanh trước đây để xây dựng xưởng sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu tại vùng núi cao Vị Xuyên – Hà Giang.

Mặc kệ can ngăn lên núi khởi nghiệp, 9X Thanh Hoá kiếm vài trăm triệu mỗi tháng

Những cây trà shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm mọc trên núi cao

Chàng trai trẻ quê Thanh Hóa cho biết sau gần 2 năm bắt đầu hành trình khởi nghiệp đến nay vùng nguyên liệu của anh đang có hơn 1.200 cây trà cổ với tuổi đời từ 300 năm mọc tự nhiên ở những dãy núi có độ cao trên 1.200m.

Anh Trường chia sẻ trà shan do người dân tộc thiểu số chăm sóc, tác động của con người với trà shan cổ thụ nhiều lắm mỗi năm 1 – 2 lần, cắt cỏ cho gốc, không tác động gì khác. Đây là loại trà là hữu cơ tự nhiên 100%. Do đó, trà shan tuyết cổ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường ngay trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Anh cũng cho biết trong quá trình khởi nghiệp lần này bản thân đã trải qua rất nhiều khó khăn. Vốn chỉ là một người ở đồng bằng nên việc di chuyển lên vùng núi cao Hà Giang để khởi nghiệp đã vấp phải sự phản đối của nhiều người. Để đến được vùng thu hái nguyên liệu, anh phải phải đi vào rừng, đi bộ nhiều giờ liền đây là những khu vực rất khó khăn về việc liên lạc và đi lại.

Quá trình làm xưởng tại vùng nguyên liệu cũng gian nan không kém. Để sản xuất được những mẻ trà chất lượng, anh cũng phải mày mò và đọc thêm các tài liệu về công nghệ sản xuất.

“Trà Shan tuyết cổ có tuổi đời từ 200-400 năm hoặc 500-700 năm và cũng có những cây hàng ngàn năm tuổi. Bà con vùng cao thường thu hoạch từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Sau khi trà được hái đem về thì chúng tôi đưa ngay vào sản xuất nhằm đảm bảo độ tươi ngon của trà. Việc sản xuất trà kéo dài đến sáng hôm sau, khi mọi thứ đã hoàn thành”, anh Trường nói.

Anh Trường cho biết sau một thời gian sản xuất thử nghiệm, đến nay anh đã cho ra đời những sản phẩm gồm trà shan tuyết cổ thụ 1 búp 1 lá, 1 búp 2 lá; bạch trà shan tuyết cổ thụ; hồng trà shan tuyết cổ thụ; hoa trà shan tuyết cổ thụ; trà phổ nhĩ. Giá bán lẻ dao động từ 600.000đ đến 3,8 triệu đồng/kg, loại cao cấp có thể lên tới cả chục triệu đồng mỗi kg.

Mặc kệ can ngăn lên núi khởi nghiệp, 9X Thanh Hoá kiếm vài trăm triệu mỗi tháng

Công đoạn chế biến làm thủ công nên giữ được những tinh chất quý của loại trà cổ

Anh Trường chia sẻ, giá trà shan tuyết đắt là bởi đây không chỉ là trà quý về hương vị, mà còn thực sự quý về dược tính và độ sạch. Những cây trà cổ thụ đã có nghiên cứu về hàm lượng các axit amin và một số chất dược tính cao gấp 30 lần trà thường. Trên thế giới số quốc gia có thể sản xuất được dòng trà này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hiện nay chàng trai trẻ quê Thanh Hóa đang cung ứng ra thị trường mỗi tháng từ 200 đến 300kg trà shan tuyết các loại, doanh thu mỗi tháng dao động từ 350 -400 triệu đồng.

Nhờ có dòng tiền ổn định này giúp anh Trường cùng đội ngũ nhân sự của mình có thể xoay vòng vốn, tái đầu tư vào mở rộng diện tích vùng nguyên liệu. Tập trung nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất để có thể cho ra đời thêm nhiều loại trà có chất lượng cao hơn nhằm nâng cao giá trị của loại trà cổ và hướng đến việc xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài.

Anh Trường đánh giá thị trường trà shan tuyết còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để có thể khai thác được hết cần có sự đầu tư rất lớn, bài bản bởi những cây chè càng có tuổi đời lâu năm thì càng quý.

Dù còn đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, nhưng anh tin rằng muốn giàu lên từ nông nghiệp chúng ta cần sự hiểu biết và tinh tế, sự nhạy cảm với thị trường.