Hiện nay, giá thanh long tại vùng chuyên canh lớn nhất của tỉnh Tiền Giang là huyện Chợ Gạo đang được các thương lái thu mua với giá cao gấp 3 lần so với giá mua ở các tháng trước.
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Các vựa thanh long thu mua thanh long với giá 20.000 đồng/kg (loại I), 24.000 đồng/kg đối với loại II, 19.000 đồng/kg với loại III và loại IV có giá 14.000 đồng/kg. Theo nhà vườn trồng thanh long, giá thanh long hiện nay đạt mức cao vì mùa chính vụ đã sắp hết, hầu hết các vườn đã sắp hết trái nên nguồn cung thấp hơn cầu. Giai đoạn thanh long chính vụ kéo dài từ tháng 3 đến giữa tháng 9 dương lịch. Sau khi kết thúc thu hoạch thanh long chính vụ, người trồng sẽ tiếp tục chăm sóc vườn để chuẩn bị cho sản xuất nghịch vụ (xử lý ra hoa trái vụ bằng cách xông đèn).
Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 6.600 ha thanh long, diện tích thanh long đang cho trái 5.545 ha với sản lượng thu hoạch 180.000 tấn/năm; trong đó, diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 2.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên 300 ha. Huyện Chợ Gạo hiện có 101 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 5.923 ha tại các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand cùng 5 mã số cơ sở đóng gói thanh long.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng, thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đây được xem như giấy thông hành quan trọng để thanh long Tiền Giang có thể thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường khó tính trên khắp thế giới.
Để đảm bảo phát triển bền vững cho cây thanh long trong tương lai, UBND huyện Chợ Gạo định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, các doanh nghiệp phối hợp với nhà vườn trồng thanh long tạo được sản phẩm có giá trị để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật của các hiệp định thương mại nhằm hướng đến những thị trường tiêu thụ lớn hơn thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch.
Tại vùng chuyên canh, địa phương hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP cho ra sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa...
Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát đã xây dựng vùng trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP với 39 thành viên tham gia sản xuất ở 8 tổ hợp tác tại các ấp trong xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo. Tổng diện tích vườn cây của xã viên là 132 ha với các loại thanh long ruột trắng, ruột đỏ, ruột tím hồng...
Ông Nguyễn Trung Quý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát cho biết, mỗi tháng, hợp tác xã sơ chế trung bình được từ 60-100 tấn trái thanh long cùng hơn 60 tấn trái cây khác để xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc.... và đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước. Qua đó, góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho các xã viên cũng như nhà vườn trồng thanh long ở địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu gần 9.400 ha với sản lượng thu hoạch hàng năm trên 236.000 tấn trái tập trung ở các huyện như Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông…
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.300 ha diện tích thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó, có 2.196 ha đạt chứng nhận VietGAP và 110 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Tiền Giang đã có 33 mã số vùng trồng cấp xuất sang thị trường Trung Quốc cùng 5.493 ha, 92 mã số vùng trồng xuất sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia với 1.271 ha.
Từ năm 2017, tỉnh Tiền Giang đã triển khai Đề án "Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025" mà một trong những trọng tâm là ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tỉnh cũng kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long để góp phần giải quyết phần nào sản lượng trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ.
Xuất khẩu chuối chính ngạch sang Trung Quốc đang có số lượng gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, đã đến lúc phải đầu tư có chiều sâu trong sản xuất để đáp ứng nhu cập nghiêm ngặ...
Tiếp nối thành công của ngày hội công nghệ SIC Tech Day 2025 tại TPHCM, ngày 24/4, tại Trường Đại học Thủy Lợi (Hà Nội) Samsung Việt Nam tiếp tục tổ chức sự kiện này tại ...
Là loại trái cây nhiệt đới có sản lượng lớn và được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, mít từng giúp nông dân Việt Nam có những mùa bội thu. Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào một ...
Từ vỏ trái cây, bã cà phê đến chất thải chăn nuôi – những thứ từng bị bỏ đi, nay trở thành nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ không chỉ ki...
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, nhưng phần lớn vẫn ở dạng thô, ẩn mình trong chuỗi giá trị mang thương hiệu nước ngoài. Làm sao để cà phê Việt...
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã ở nông thôn Việt Nam đang loay hoay đứng ngoài các chuỗi phân phối hiện đại chỉ vì thiếu một tấm giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. ...