Thành phố Hồ Chí Minh và Lâm Đồng đẩy mạnh hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch

Vừa qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng với các doanh nghiệp, hệ thống tiêu thụ nông sản tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết, bên cạnh công tác chống thực phẩm bẩn thì phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, xây dựng nguồn thực phẩm sạch được thành phố hết sức chú trọng. Lâm Đồng là một trong những tỉnh đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch. Số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản ngày càng tăng. Tuy nhiên, số lượng và sản lượng vẫn dưới tiềm năng của tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: T.D).

Cũng theo bà Lan, Thành phố Hồ Chí Minh có 3 chợ đầu mối, tập trung nguồn nông sản, thực phẩm từ các nơi trong đó có sản phẩm nông sản của Lâm Đồng. Vấn đề làm như nào để sản phẩm Lâm Đồng được nhận biết, không nhầm lẫn với sản phẩm các nơi khác vẫn còn gặp khó khăn.

“Hiện tất cả các sản phẩm tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối nằm trong sự quản lý của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố. Với trách nhiệm của mình, Ban sẽ phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng và những hành vi gian lận. Tuy nhiên, hiện nay việc xem nguồn gốc sản phẩm vẫn còn gặp khó, nếu nói đến an tâm 100% thì vẫn còn phải làm rất nhiều. Do đó, rất cần dấu hiệu nhận biết các sản phẩm Lâm Đồng” – bà Lan chia sẻ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, quản lý an toàn thực phẩm không phải đợi hàng về mới kiểm tra mà cần sự giám sát từ khâu trồng trọt, chăn nuôi ban đầu. Đây là việc cực kỳ quan trọng. Thành phố Hồ Chí Minh không có điều kiện sản xuất, đa số tiêu thụ sản phẩm từ các nơi khác. Bà kỳ vọng sự phối hợp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng với các doanh nghiệp, hệ thống tiêu thụ nông sản tại Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện tốt hơn nữa để đảm bảo chất lượng nguồn sản phẩm được tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet).

Theo báo cáo tại hội nghị về công tác liên kết, phối hợp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau, củ, quả thời gian qua giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Lâm Đồng đạt nhiều kết quả.

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Viện Môi trường Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 4 mô hình với diện tích 50 ha gồm 9 chủng loại.

Đến nay có 70 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả các loại đóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xác nhận cho 25 cơ sở sản xuất sơ chế rau củ quả được cấp giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn (19 cơ sở sản xuất, 6 cơ sở sơ chế). Sản lượng rau củ quả đạt hơn 38.147 tấn/năm; trái cây đạt 1.070 tấn/năm; trà 60 tấn/năm.

Bên cạnh đó, hai bên còn phối hợp tổ chức 26 lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm sản tham gia chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với 1.211 người tham gia, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trước các quy định về an toàn thực phẩm…